Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế

Ý Thơ| 01/01/2015 11:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong lịch sử, trong cuộc đời thực nhiều người đẹp có số phận trớ trêu lắm. Chẳng phải nàng Kiều đẹp đến “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” mà truân chuyên, khổ ải như vậy sao!

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh quá nổi tiếng với vai trò “cha đẻ” Hoa hậu Việt Nam, nhưng ít ai biết ông còn từng được mời làm Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ASEAN năm 2005 và được trao kỷ lục Người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo cuộc thi hoa hậu quốc tế.

Nhân dịp đầu năm mới 2015, ông đã dành cho phóng viên Báo điện tử Công lý cuộc trò chuyện xung quanh cuộc thi này, cũng như những chia sẻ về quan niệm nhân sinh, về thơ và người đẹp.

Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế

Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh thời trẻ. Ảnh nhân vật cung cấp

PV: Nhân dịp năm mới 2015, ông có thể chia sẻ một chút về kỷ niệm khi được mời làm Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ASEAN năm 2005?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi đã có một bài viết khá dài đăng trong cuốn “Hoa hậu Việt Nam - Những điều chưa biết” tập 3, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2013. Có rất nhiều ấn tượng  nhiều kỷ niệm, nhiều điều lý thú mà tôi học được trong quãng thời gian tham gia cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ASEAN năm 2005 với vai trò giám khảo.

Ấn tượng đầu tiên là đất nước Indonesia thật đẹp và mến khách, dù lúc đó họ vừa trải qua nạn khủng bố và sóng thần kinh hoàng. Khi chúng tôi đến thăm một số nơi vừa bị thảm họa sóng thần, người dân vẫn mang biểu ngữ, cờ ra đón. Tôi thấy nhiều người còn mang ảnh Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Huyền và hô “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam!”. Thật xúc động!

Một kỷ niệm đặc biệt là cuộc tranh cãi quanh con số 11. Năm đó có 10 hoa hậu của 10 nước ASEAN tham gia, mỗi nước có 1 giám khảo. Thế nhưng, nước chủ nhà Indonesia lại mời 11 người, nên nhiều giám khảo cho là không công bằng khi chủ nhà có những 2 thành viên. Chủ nhà lý luận là để khi bỏ phiếu phải có số lẻ nên phải có 11 người…

Tôi biết là chủ nhà có thành ý, và đã trót mời, mà giám khảo lại là người nổi tiếng, có danh phận nên thực tình, ông Trưởng Ban tổ chức Tanto Wi, một tỷ phú đô la, một người rất có thế lực, đồng thời là Trợ lý của Tổng thống Indonesia, lúc đó rất khó xử.

Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế

Nhà thơ Dương Kỳ Anh được trao danh hiệu kỷ lục quốc gia Người Việt Nam đầu tiên được mời làm thành viên BKG Hoa hậu Quốc tế ASEAN 2005

Hơn hai giờ đồng hồ bàn cãi mà chưa đi đến kết quả. Khi ông hỏi tôi có sáng kiến gì không, tôi đề xuất: Giám khảo cứ để 11 người, nhưng Trưởng ban giám khảo (ông Igede Ardika - Nguyên Bộ trưởng Văn hóa Du lịch Indonesia) chỉ tham gia điều hành chứ không chấm điểm. Không ngờ ý kiến của tôi được cả ban giám khảo đồng tình.

Ngay tiêu chí để bầu hoa hậu cũng có rất nhiều tranh cãi, nên để tiêu chí sắc đẹp lên đầu hay trí tuệ lên đầu? Tôi thì ủng hộ ý kiến sắc đẹp là tiêu chí số 1, nhưng nhiều ý kiến lại cho là trí tuệ. Cuối cùng tôi cũng phải chấp nhận ý kiến của đa số… Rồi dùng từ gì cho chuẩn như với tiêu chí trí tuệ, từ “Brain” hay từ “Intelligence” đắt hơn v.v… và v.v…

Nhưng ấn tượng nhất với tôi là cuộc trò chuyện với hai người đẹp, hai thành viên ban giám khảo ngồi cạnh tôi. Cô Hannah Toh - Nghị sĩ Quốc hội, đăng quang hoa hậu Singapore một năm trước đó. Hôm gặp ở sân bay, tôi cứ sững người vì cô đẹp quá. Và bà Khin Myint, Hoa hậu Myanmar năm 1961, một người giàu có bậc nhất và rất nổi tiếng ở Myanmar.

Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế

Nhà thơ Dương Kỳ Anh và bà Hannah Toh - Nghị sĩ Quốc hội, thành viên BGK Hoa hậu quốc tế ASEAN 2005

Qua trò chuyện, tôi hiểu ra rằng vẻ đẹp về sự hiểu biết, vẻ đẹp nội tâm của bà Khin Myint dần dần cuốn hút tôi hơn là sắc đẹp làm tôi sững sờ lúc mới gặp của Hoa hâu Hannah Toh. Và tôi đã nảy ra câu mà tôi đã hỏi khi hỏi các thí sinh phần ứng xử “Sắc đẹp và thời gian là bạn hay thù?” .

Nhiều thí sinh là hoa hậu các nước dự thi năm đó sau đều bảo đó là câu hỏi khó. Có thí sinh không trả lời được. Riêng thí sinh Philippines , Hoa hậu Jhezarie Javier đã trả lời xuất sắc.

Cô nói: “Thưa ban giám khảo, thời gian vừa là bạn, vừa là kẻ thù của sắc đẹp. Theo thời gian, sắc đẹp hình thể sẽ tàn phai, nhưng vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ sẽ ngày càng phát triển…”. Cả ban giám khảo đều cho điểm tối đa và năm đó Hoa hậu Philippines Jhezarie Javier đã đăng quang hoa hậu ASEAN 2005.

PV: Năm đó chỉ có thí sinh của 10 nước tham gia, và đây là một cuộc thi gần như mang tính hữu nghị, điều này có khiến tính cạnh tranh giữa các thí sinh vì thế mà giảm bớt?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đúng là cuộc thi mang tính hữu nghị, nhưng được tổ chức rất nghiêm túc, công phu, hoành tráng và là một cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế đúng nghĩa nhất của từ này. Các thí sinh đã thể hiện hết mình để giành chiến thắng …

PV: Tiêu chí của của cuộc thi năm đó là Trí thức, Nhân cách và sau đó mới là Vẻ đẹp. Lý do là…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Như tôi đã nói ở trên, giám khảo năm đó đều là những người nổi tiếng và có thế lực ở các nước, ngoài hai cựu hoa hậu, còn là những chính khách như Bộ trưởng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, hay như ông Sonchai Xuk giám khảo Thái Lan lúc đó là Chủ tịch Ngân hàng hoàng gia Thái Lan… Có lẽ thế nên họ rất coi trọng trí tuệ chăng? Quan điểm sắc đẹp là số 1 chỉ có tôi và hai cựu hoa hậu là những người ủng hộ. Thiểu số phải phục tùng đa số thôi !

PV: Ông ấn tượng nhất với thí sinh nào trong cuộc thi năm đó?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Với thí sinh nước chủ nhà, cô ấy rất đẹp. Và với hoa hậu ASEAN năm đó - cô Jhezarie hoa hậu Philippines, người đã rất xuất sắc trong phần thi ứng xử.

PV: Có thí sinh nào hay có việc gì khiến ông bối rối trong quá trình chấm thi hoa hậu hay chưa?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Ở cuộc thi hoa hậu quốc tế ASEAN lúc đó thì không. Nhưng ở các cuộc thi hoa hậu trong nước thì có chứ.

Nhiều lần tôi thực sự khó xử khi thấy thí sinh dự thi quá đẹp, xứng đáng là hoa hậu và thậm chí có thể là hoa hậu thế giới, nhưng phần ứng xử lại không như mong muốn. Tôi băn khoăn lắm. Như trường hợp cô Hồng Yến (Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long 1996), hay như thí sinh Mạc Lê Đan Thanh (năm 1992) thực sự làm chúng tôi (cả cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn) phải bối rối, rung động…

PV: Ông đánh giá thí sinh Nguyễn Thảo Hương năm đó của Việt Nam như thế nào?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Nhiều giám khảo khen Thảo Hương đẹp. Thảo Hương có làn da trắng hồng, rất đẹp. Năm đó hoa hậu Việt Nam là Nguyễn Thị Huyền do bận học nên không đi được. Trong khi các nước khác thí sinh đều có danh hiệu hoa hậu thì Thảo Hương là người đẹp du lịch đi thi. Thế nhưng, kết quả cô đạt được cũng rất đáng ngưỡng mộ. Lúc công bố, Thảo Hương cũng chỉ thiếu 1/3 điểm nữa là đoạt danh hiệu Á hậu ASEAN 2005.

Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế

Các thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu quốc tế ASEAN 2005

PV: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông cho biết “để bình chọn một hoa hậu sắc đẹp là tiêu chí số 1”. Vậy ông nghĩ gì khi một số hoa hậu của chúng ta sau khi đăng quang lại vấp phải ý kiến cho rằng vẻ đẹp của họ chưa thực sự thuyết phục?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Cũng chỉ là vài hoa hậu gần đây thôi, những cuộc thi hoa hậu mà tôi không làm giám khảo thì chưa có hoa hậu nào bị khán giả “chê” về nhan sắc cả. Không trực tiếp tham gia đồng hành cùng các thí sinh hoa hậu trong suốt cuộc thi, nên tôi không biết nội tình thế nào. Khen chê là việc của công chúng. Nhưng theo tôi đã là hoa hậu là phải đẹp. Chả phải người ta thường nói: Đẹp như hoa hậu là gì?!

PV: Dưới góc độ một giám khảo từng tham gia chấm thi nhiều cuộc thi Hoa hậu trong nước và quốc tế, bản thân ông cho rằng lý do gì khiến thí sinh Việt Nam chưa giành được kết quả cao trên các đấu trường sắc đẹp quốc tế?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Như tôi đã nhiều lần nói trong các bài trả lời phỏng vấn, điểm yếu nhất của các người đẹp chúng ta khi tham gia các đầu trường quốc tế là khả năng hội nhập, ứng xử. Ứng xử thiếu tự nhiên, thiếu tự tin, trả lời, trò chuyện nói như sách, mà cái đẹp là cái tự nhiên, hồn nhiên, chân thật, không vay mượn được …

PV: Có những thí sinh hoa hậu được khán giả nước nhà kỳ vọng, thì lại từ chối tham gia các cuộc thi hoa hậu quốc tế với những lý do cá nhân. Ông đánh giá như thế nào về việc này? 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Có thể họ có những lý do nào đó như bận học, bận thi… Dù sao cũng là điều đáng tiếc. Cũng có ý kiến cho rằng nên có quy định nào đó ràng buộc khi họ đạt danh hiệu hoa hậu…

PV: Tôi được đọc tập truyện ngắn “Người rêu” của ông, thấy người đẹp trong đó của ông rất buồn, và cảm giác tâm ông luôn ẩn chứa một nỗi niềm đau đáu. Tại sao lại vậy thưa ông?

Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế

Bìa tập truyện ngắn Người rêu của nhà thơ Dương Kỳ Anh

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Trong lịch sử, trong cuộc đời thực nhiều người đẹp có số phận trớ trêu lắm.

Chẳng phải nàng Kiều đẹp đến “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” mà truân chuyên, khổ ải như vậy sao! Với lại, trời không cho ai tất cả, xưa nay là vậy mà, trong văn chương và cả trong đời thực.

Qua nhân vật là những người đẹp tôi muốn gửi đến độc giả thông điệp về con người. Con người trong đó có người đẹp là trung tâm vũ trụ, cần tôn vinh con người chứ nhất quyết không được vùi dập!

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trò chuyện đầu năm với người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo hoa hậu quốc tế