Trình tự xem xét, quyết định nhân sự cấp cao tại Kỳ họp thứ nhất, QH Khóa XIV

Ngọc Mai| 14/06/2016 10:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên họp 49 đang diễn ra, UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ nhất, QH Khóa XIV. Trong đó, nội dung quan trọng nổi bật và được dành phần lớn thời gian là vấn đề nhân sự.

Theo dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp khoảng 9 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/7. Nội dung nổi bật nhất của kỳ họp là xem xét, quyết định tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước nên phần lớn thời gian của kỳ họp sẽ dành cho việc xem xét, quyết định về công tác nhân sự.

Trình tự xem xét, quyết định nhân sự cấp cao tại Kỳ họp thứ nhất, QH Khóa XIV

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân  đồng tình với ý kiến khi cờ Tổ quốc đã xuất hiện thì tất cả phải đứng lên tuyên thệ

Theo Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, việc xem xét, quyết định tổ chức nhân sự cấp cao của nhà nước là nội dung trọng tâm của kỳ họp đầu nhiệm kỳ. Do trình tự, thủ tục tiến hành nội dung này có nhiều bước, có thể bị trống thời gian phiên họp, nên dự kiến bố trí xen kẽ với một số nội dung khác để bảo đảm thời gian cho việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, giải trình về nội dung nhân sự; đồng thời tiết kiệm thời gian kỳ họp.

Cụ thể, việc xem xét nhân sự tại kỳ họp được dự kiến như sau: Chiều 26/7, Chủ tịch nước trình bày tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở các đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 27/7, Ủy viên UBTVQH báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tuyên thệ.

Ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật trình bày báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ. Các đoàn sẽ thảo luận về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ…

Ngày 29/7, Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về các chức danh này bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Chiều 29/7, Chủ tịch nước trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Quốc phòng-An ninh bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội cũng bỏ phiếu bầu một số chức danh: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; quyết định số lượng và phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và các Ủy viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội...

Cho ý kiến về nghi thức khi tuyên thệ của một số chức danh được Hiến pháp quy định, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần thống nhất khi cờ Tổ quốc đã xuất hiện thì tất cả phải đứng lên chứ không thể người đứng người ngồi như lễ tuyên thệ ở kỳ họp 11 Quốc hội khoá XIII vừa rồi. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân  đã đồng tình với ý kiến này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trình tự xem xét, quyết định nhân sự cấp cao tại Kỳ họp thứ nhất, QH Khóa XIV