Triển vọng phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2019

Như Loan| 15/02/2019 10:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện...

Nghị quyết số 01/2018/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 nhận định năm 2018 là năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đây là năm ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhiều mặt đến nước ta.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, bên cạnh việc chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước, thì Chính phủ xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mục tiêu năm 2018 là phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,7% GDP, cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đối tác công tư; Thành lập Uỷ ban quản lý vốn tại doanh nghiệp; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt khoảng 7,7%, trong đó công nghiệp khoảng 7,3%, xây dựng khoảng 9,2%; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%; Phấn đấu năm 2018 có ít nhất 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt khoảng 3,0%, kim ngạch xuất khẩu đạt 36 - 37 tỷ USD,…

Triển vọng phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2019

Năm 2018, ngành công thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân

Năm qua, nước ta không những đạt được các mục tiêu đề ra mà còn có nhiều mốc kỷ lục được ghi nhận. Theo Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 thì GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%. Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5,54 triệu tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

Theo Tổng cục Thống kê, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Sản xuất công nghiệp tăng trên 9,8% vượt 0,8% so với kế hoạch được giao và vươn lên trở thành lĩnh vực dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng trưởng trên 12%. Từ đó có thể khẳng định quá trình tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng. Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp chúng ta có xuất siêu. Cán cân thương mại đạt thặng dư 7,2 tỉ USD  cũng là mức cao kỷ lục. Chính điều đó đã đóng vai trò to lớn trong việc góp phần vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Cũng trong năm qua, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định thành công này có sự đóng góp rất lớn của ngành công thương. Năm 2018, ngành công thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước.

Năm 2018, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện "cuộc cách mạng lần thứ 3" khi cắt giảm một loạt các thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư - kinh doanh trên 10 lĩnh vực. Bộ Công Thương đã triển khai một cách triệt để và mạnh mẽ hơn trong đổi mới phương thức quản lý, chuyển tư duy quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo môi trường thông thoáng cho đầu tư phát triển gắn với nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp một cách mạnh mẽ hơn cho các địa phương.

Việc tiến hành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư - kinh doanh là một hành động cụ thể của Bộ Công Thương nhằm thực hiện chủ trương chung của Chính phủ về xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh. Việc rà soát, xây dựng, thực hiện phương án cắt giảm, đơn giản hóa vừa qua là trong tiến trình chung của Chính phủ nói chung và của Bộ Công Thương nói riêng về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế của đất nước. “Với thành công liên tiếp 3 năm qua, Chính phủ tin toàn ngành Công Thương chỉ tiến không lùi. Năm 2018 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% có sự đóng góp lớn của Bộ Công Thương. Điều đó nói lên các đồng chí biết tổ chức triển khai công việc, giữ lời hứa, lời nói hành động đi liền nhau. Nhiều việc quyết liệt hiệu quả thực sự” – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Nghị quyết số 01/2019/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 nhận định: Mục tiêu tổng quát kế hoạch năm 2019 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp tục những thành công của năm 2018, năm 2019, Bộ Công Thương được giao chỉ tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8% so với năm 2018; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Trên cơ sở bối cảnh hiện nay, để đạt được mục tiêu và phấn đấu cao hơn, Bộ Công Thương sẽ chú trọng triển khai nhiều biện pháp, giải pháp quan trọng nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, muốn hoàn thành nhiệm vụ đó thì phải hết sức nỗ lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Đối với các thỏa thuận thương mại quốc tế, năm qua cũng là một năm thành công với đóng góp to lớn của Bộ Công Thương khi Quốc hội đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và dự kiến đầu năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng sẽ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh “Việc tham gia CPTPP và EVFTA, sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn, đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ta như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày”.

Ngoài ra, để tạo cơ chế thông thoáng cho xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết sau việc cắt giảm mạnh mẽ các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vừa sẽ đi vào cả chất lượng cắt giảm.Ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư - kinh doanh luôn là mục tiêu được Bộ Công Thương xác định xuyên suốt trong quá trình đổi mới hoạt động của ngành.

Như vậy, giới doanh nghiệp hoàn toàn có thể tin tưởng thời gian tới, các Bộ ngành sẽ còn tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra tiến tới một năm kinh tế phát triển tươi sáng, là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin và khát vọng của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2019