Khi tới thăm di sản Thế giới thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) nhiều du khách không khỏi tò mò, thích thú lúc đi ngang qua khu trưng bày những bức ảnh khổ lớn miêu tả cuộc sống người dân ven cố đô.
Điều đặc biệt là tác giả của những bức ảnh là chính những người nông dân chân lấm, tay bùn, quen với công việc đồng ruộng với đôi bàn tay chai sần nhưng yêu thích nhiếp ảnh. Họ đã thực hiện những tác phẩm này bằng cái nhìn chân thực nhất của mình.
Anh Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Thành nhà Hồ dẫn chúng tôi đi thăm quan các khu vực trong di sản. Anh cho biết: "Năm 2015 tỉnh Thanh Hóa tổ chức Năm du lịch Quốc gia nên lượng khách về đây rất đông. Du khách sau khi xem xét các khu vực đều dừng lại tại các bức tranh khổ lớn nằm ngay giữa trung tâm. Có lẽ chính cuộc sống thường nhật được miêu tả chân thật sống động từ chính sự chân thành, chất phát của người bấm máy đã cuốn hút người xem.
Được sự cho phép của tác giả và Ban quản lý Thành Nhà Hồ chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc một số bức ảnh và câu chuyện liên quan:
Cánh diều bên di sản. Ảnh: Lê Văn Vinh
Có lẽ ai sinh ra và lớn lên cũng đã một thời “Tuổi thơ bên cánh diều” vi vu khi chiều về lộng gió. Tuổi thơ tôi, bạn và nhiều người khác nữa cũng gắn liền với cánh diều, tiếng sáo... Để những giây phút thả hồn theo gió cùng cánh diều vút cao trên trời xanh, để lòng được vui nhộn sau những giờ học trên lớp hay phụ giúp bố mẹ việc gia đình.
Những buổi chiều nắng vàng rực rỡ và lộng gió, chạy dọc theo bờ thành hay đứng trên đỉnh vọng lâu của cổng Thành Nhà Hồ. Ngước nhìn những cánh diều chao liệng, những ánh mắt chăm chú, những tiếng cười vui nhộn ngân vang trong ánh nắng chiều bên tòa thành cổ kính.
Ký ức tuổi thơ. Ảnh: Lê Văn Vinh
Những đứa trẻ làng Tây Giai, xã Vĩnh Tiến sau những giờ học tập trên lớp hay giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, lại rủ nhau tìm những khoảnh đất rộng rãi, mát mẻ dưới chân tường thành phía Bắc để vui chơi.
Không đu quay, không cầu trượt... như những trẻ em thành phố, nơi có những công viên giải trí. Các em vùng quê nơi đây có những thú vui riêng: thả diều, đánh thẻ, cưỡii trâu đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ người dân quê tôi.
Giếng Nghè. Ảnh: Vũ Đình Lợi
Đây là cái Giếng nghè của làng Đông Môn, xã Vĩnh Long. Giếng này được xây dựng từ những viên gạch lấy từ Thành Nhà Hồ. Ngày trước giếng là nơi cung cấp nước sinh hoạt và ăn uống cho người dân của làng. Bây giờ người dân đã có điều kiện kinh tế hơn nên nhà nào cũng có giếng khoan, không ai còn dùng tới nước giếng nghè nữa. Lâu dần giếng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tôi và người dân trong làng mong các cấp, nghành quan tâm để bảo tồn giếng nghè đã gắn bó với người dân Đông Môn hai thế kỷ nay.
Mùa thu hoạch sen. Ảnh: Phạm Ngọc Lấn
Đây là bức ảnh chụp chị Trương Thị Thể 50 tuổi ở thôn Tây Giai, Vĩnh Tiến đang thu hoạch sen ở hồ nước trong Thành Nội mà gia đình chị thầu. Vì đông con, ruộng lại ít nên gia đình chị nhận thầu thêm một hồ cá trong thành. Hồ cá này được gia đình chị thả rất nhiều loại cá , kết hợp với việc trồng sen trên bề mặt nước để tăng thêm thu nhập.
Cứ đến mùa thu hoạch, trực tiếp chị lại lội xuống nước để hái bắp sen và hóa sen đem bán. Tuy lạnh và rét nhưng cứ nghĩ đến việc sẽ có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày là chị lại quên hết bao mệt nhọc. Chị tâm sự rằng "Gia đình tôi nhận thầu cái hồ cá này đã được 5 năm rồi, tối nào chồng tôi cũng phải đi gác, có mấy mẹ con ở nhà thôi nhiều lúc mưa gió thương chồng một mình đêm hôm, tôi định bảo chồng trả lại cho thôn nhưng ngặt nỗi gia đình còn túng quá nên cứ đành gắng mãi cho đến tận bây giờ".
Mùa nước lũ. Ảnh: Anh Thuấn
Đây là cánh đồng lúa của người dân làng Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, ở cổng thành phía bắc Thành Nhà Hồ sắp được thu hoạch. Do những trận nước lũ kéo về đe dọa đồng lúa hàng ngày nên năng suất vụ nay kém hơn so với vụ trước.
Con đường được nằm giữa cánh đồng đã bị nước ngập trắng băng nên nhìn qua tưởng là kênh mương. Nếu mực nước dừng ở đây thì không ảnh hưởng nhiều đến năng suất của lúa, còn ngập thêm nữa thì coi như mất trắng.
Mấy tháng qua, dân chỉ trông chờ vào ruộng lúa nếu mất mùa người làm ruộng sẽ gặp nhiều khó khăn vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình họ. Mong sao mua thuận gió hòa để nhân dân đỡ vất vả.
Thành quả cuối ngày. Ảnh: Phạm Ngọc Tùng
Chị Miên sinh ra tại làng Tây Giai, xã Vĩnh Tiến, nay đã ngoài 50 tuổi. Chị có tới 6 người con, trong đó có người con gái bị bệnh tâm thần. Gia đình làm nông nghiệp không có nghề phụ. Để đảm bảo cuộc sống, ngoài làm lúa và ngô, chị còn chăn nuôi lợn nái, gia cầm và trâu sinh sản.
Sau những buổi làm đồng, chiều nào chị Miên cũng cắt một gánh cỏ về làm thức ăn cho trâu. Mỗi năm con trâu nhà chị đẻ một lứa, nuôi một năm có thể bán được từ 15 – 20 triệu.
Số tiền đó thật lớn đối với người dân như chúng tôi. Tôi chụp tấm ảnh này để nói lên sự cần cù, chịu khó của người nông dân ở vùng quê nông nghiệp.
Bình an
Người nông dân chân chất, thật thà cười thật đôn hậu trên cánh đồng bên trong di sản.