Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị.
Đây là Hội nghị đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan để bàn về việc phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tiến độ chuẩn bị các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017.
Tham dự Hội nghị còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc; các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và các đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Hoàn thành có chất lượng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là Hội nghị đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV với các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương và đại diện lãnh đạo các cơ quan trình dự án, cơ quan soạn thảo, cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan khác để bàn về việc phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, tiến độ chuẩn bị các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017; các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình cũng như các biện pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua đó, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong việc tiếp tục đổi mới và thực hiện có hiệu quả hơn Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, tại Hội nghị này đại diện các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong từng công đoạn của quy trình lập pháp và đặc biệt là các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận, đóng góp thêm sáng kiến để làm rõ quy trình, cách thức tiến hành; yêu cầu về trách nhiệm, phạm vi phối hợp của các cơ quan cùng các biện pháp bảo đảm cần thiết khác trong công tác lập pháp nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất chung, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện tốt các quy định mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội nói chung và trước mắt là để hoàn thành có chất lượng toàn bộ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và 2017 của Quốc hội.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể
Thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày “Báo cáo về việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016, năm 2017 và một số nội dung về tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định cho biết, theo Chương trình đã được Quốc hội thông qua, trong các tháng cuối năm 2016, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 04 dự án luật, cho ý kiến 14 dự án luật khác; Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 04 dự án pháp lệnh; trong năm 2017, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua và cho ý kiến 29 dự án luật, 01 dự thảo Nghị quyết.
Trong Chương trình các tháng cuối năm 2016 có 18 dự án luật, 02 dự án pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan trình, các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra từ năm 2015. Trong đó có 03 dự án luật được Quốc hội khoá XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 đang được các cơ quan phối hợp tiếp thu, chỉnh lý… để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 sắp tới. 15 dự án luật còn lại đã được các cơ quan soạn thảo, một số dự án đã được thẩm định, thẩm tra. Có 02 dự án pháp lệnh, 01 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội mới bổ sung vào Chương trình chưa được phân công cụ thể. Trong Chương trình năm 2017, ngoài 14 dự án cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, thông qua tại kỳ họp thứ 3, có 05 dự án được điều chỉnh thời gian trình từ các năm trước đó.
Trao đổi một số nội dung về tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Việc Quốc hội ban hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có hiệu lực từ 1/7/2016 đã đổi mới cơ bản quy trình xây dựng, ban hành văn bản theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo luật, pháp lệnh, chính sách phải được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo văn bản. Trong Luật năm 2015, việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được lồng ghép với quy trình xây dựng chính sách, khác với Luật năm 2008, những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản. Do năm 2016 là năm chuyển giao thực hiện Luật năm 2008 và Luật năm 2015, nên việc lập đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Chương trình năm 2017 và triển khai thực hiện Chương trình có những đặc thù riêng. Việc lập, thẩm định, thẩm tra dự kiến điều chỉnh Chương trình năm 2016 và năm 2017 được thực hiện theo quy định của Luật năm 2008 nhưng việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua các dự án cụ thể trong Chương trình được thực hiện sau ngày 1/7/2016 nên sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật năm 2015. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo dự án triển khai các công việc cần thiết, bảo đảm cung cấp đủ thông tin làm cơ sở cho việc thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua. Hồ sơ dự án gửi các cơ quan để thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bảo đảm đúng quy định tại Điều 64 của Luật năm 2015.
Để góp phần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật năm 2015. Khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 và năm 2017, trong đó xác định rõ các nội dung, hoạt động cụ thể, lộ trình và kế hoạch ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực được giao phụ trách. Cơ quan chủ trì soạn thảo có kế hoạch bảo đảm thực hiện đúng quy trình, tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án, dự thảo; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thời hạn gửi dự án, dự thảo đến Bộ Tư pháp, Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; đồng thời phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong suốt quá trình xây dựng dự án...
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo cần chủ động và phối hợp có trách nhiệm với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội trong quá trình soạn thảo, đặc biệt là việc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sau khi đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét cho ý kiến; kiên quyết khắc phục tình trạng sau khi trình rồi coi như việc của cơ quan soạn thảo là xong, "phó mặc" việc phối hợp chỉnh lý cho cơ quan thẩm tra...
Báo cáo trách nhiệm cơ quan chủ trì soạn thảo trước Quốc hội
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Toà án nhân dân tối cao… báo cáo về tình hình chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017. Các báo cáo đều cho rằng đã hoàn thành việc trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 sau khi đã được điều chỉnh; khả năng bảo đảm tiến độ của các dự án luật, pháp lệnh là tương đối cao. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ bản các dự án trình Quốc hội khoá XIV tại Kỳ họp thứ 2 đã được Chính phủ xem xét, thông qua để trình Quốc hội.
Sau khi xem xét, thảo luận, Hội nghị đã cơ bản nhất trí với Dự kiến phân công cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan tham gia thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các tháng cuối năm 2016 và năm 2017; Dự kiến tiến độ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các dự án thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017.
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua.
Để triển khai tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội các tháng cuối năm 2016 và năm 2017, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, ngay sau Hội nghị, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2016 và năm 2017; Chính phủ cần sớm xây dựng kế hoạch phân công triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Quốc hội.
Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần bám sát Dự kiến phân công và Dự kiến tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh. Thành phần Ban soạn thảo cần thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bảo đảm đủ thành phần, có cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, đại diện hiệp hội, đại diện đối tượng chịu sự tác động. Ngay từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV tới đây, cần báo cáo cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo trước Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật cần tiếp tục đóng vai trò là “cơ quan gác cổng” cho Chính phủ, Quốc hội việc xây dựng thể chế, chính sách trong thời gian tới.