Cả nước hiện có 51.827 vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, song tỷ lệ xử lý còn thấp, chỉ 34.395, chiếm khoảng hơn 66%.
Phối hợp thiếu nhịp nhàng, chỉ đạo thiếu quyết liệt
Ngày 4/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có Công văn số 2734/BNN-TCTL gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Theo thống kê, tính đến ngày 15/4/2022, đã có 61/63 tỉnh, thành phố báo cáo hiện trạng vi phạm và xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, với tổng số các vụ vi phạm được phát hiện là 51.827 vụ.
Các vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực, gồm: Đồng bằng sông Cửu Long với 26.119 vụ, chiếm 50,39% trên tổng số vụ vi phạm cả nước, trong đó An Giang đã chiếm gần 97% số vụ vi phạm tại đồng bằng sông Cửu Long.
Tiếp đến là đồng bằng sông Hồng với 10.084 vụ vi phạm, chiếm tỷ lệ 19,46% trên tổng số vụ vi phạm trên cả nước. Bắc Trung Bộ với 9.525 vụ, chiếm 18,38%; các khu vực còn lại tình hình vi phạm ở mức từ 2,2% đến 5,9%.
Trong 51.827 vi phạm được phát hiện, vi phạm về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi chiếm 88,8%, với 46.012 vi phạm; vi phạm quy định đổ rác thải, chất thải, xả nước thải vào công trình thủy lợi chiếm 5,04%, với 2.612 vi phạm; vi phạm gây cản trở dòng chảy của công trình thủy lợi chiếm 5,12%, với 2.652 vi phạm. Ngoài ra, còn có các vi phạm quy định về vận hành công trình thủy lợi; sử dụng thiết bị thuộc công trình thủy lợi;…
Theo Bộ NN&PTNT, quá trình triển khai, các địa phương đã có nhiều cố gắng trong phát hiện, xử lý vi phạm. Tuy vậy, tình hình vi phạm công trình thủy lợi còn diễn biến phức tạp, một số địa phương có số vụ vi phạm lớn (trên 1.000 vụ), tỉ lệ các vụ vi phạm đã được xử lý chưa cao. Tổng hợp báo cáo của 61/63 tỉnh, thành cả nước cho thấy, số vi phạm đã được xử lý là 34.395 vụ, chiếm 66,37%; còn tồn đọng 17.432 vụ, chiếm 33,63%.
“Nhiều vụ vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình và làm ô nhiễm nước trong công trình thủy lợi”, Bộ NN&PTNT đánh giá.
Về nguyên nhân, Bộ NN&PTNT cùng thẳng thắn thừa nhận có sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, nhiều công trình thủy lợi chưa được cắm mốc chỉ giới bảo vệ, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi chưa được quan tâm.
Tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt trong mùa mưa lũ 2022, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện và công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn được giao phụ trách; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định của pháp luật các vụ việc tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi, gây bức xúc trong dư luận…
Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện và các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm công trình thủy lợi về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an các tỉnh, thành phố trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy chế Phối hợp số 06/QC-BCA-BNN&PTNT ngày 30/12/2020 giữa Bộ Công an và Bộ NN& PTNT về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực NN&PTNT, Kế hoạch phối hợp số 1052/KHPH-TL-CSMTr ngày 12/6/2020 giữa Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Tổng cục Thủy lợi.
Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về các nội dung được cấp phép theo quy định của pháp luật về thủy lợi. Tham gia việc cấp giấy phép môi trường và kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn. Báo cáo UBND tỉnh, thành phố và Bộ NN&PTNT về tình hình vi phạm và xử lý vi phạm công trình thủy lợi theo quy định; công khai tình hình và kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên các phương tiện truyền thông; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ an toàn công trình thủy lợi.