Một con hẻm ở quận 10, TP.HCM được hình thành từ trước giải phóng, được mọi người sử dụng lối đi chung bỗng nhiên bị đem bán chỉ định và người dân đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng.
Từ chuyện con hẻm chung bị bán chỉ định
Theo bà con tổ dân số 49, khu phố 6, phường 11, quận 10, TP HCM, giữa hai căn nhà số 20 – 22 và số 16 Trần Minh Quyền có hẻm đi chung, hướng thông ra hẻm 660 Điện Biên Phủ và hẻm 34 Trần Minh Quyền, quận 10 có từ trước năm 1975. Các căn nhà thông với con hẻm đều có cửa hông và cửa sau trổ ra con hẻm này.
Ngày 30/8/2106, UBND TP HCM ban hành Quyết định 4537/QĐ-UBND về việc chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 672-674 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10 cho ông Châu Bá Luân, theo hình thức bán chỉ định, với diện tích khuôn viên đất là 1.357,2m2. Trong đó, diện tích lộ giới là 27,3 m2 thì UBND quận 10 xem xét ký hợp đồng cho ông Châu Bá Luân thuê theo quy định, khi nhà nước thu hồi thực hiện quy hoạch sẽ không tính bồi thường. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất xấp xỉ 5,9 tỷ đồng được tính theo Quyết định số 05 ngày 4/1/1995 về ban hành bảng giá đất trên địa bàn thành phố.
Hẻm 18 Trần Minh Quyền hiện nay
Sau khi mua chỉ định 1.357,2m2 trên, ông Châu Bá Luân đã làm thủ tục xin cấp chủ quyền phần đất này. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền đã niêm yết thủ tục theo qui định. Bà Phạm Thị Hồng Thúy chủ nhà số 20 – 22 Trần Minh Quyền đã phát hiện diện tích phần hẻm chung tại số 18 đã bị bán hóa giá cho ông Châu Bá Luân nên đã có đơn khiếu nại.
Kết quả là UBND phường 11, quận 10 đã niêm yết danh sách công khai kết quả kiểm tra hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho ông Châu Bá Luân tại số 672-674 Điện Biên Phủ với diện tích 47,4 m2, thửa 41, tờ bản đồ 25, thời gian 15 ngày, kể từ ngày 15 – 29/8/2017. Tình trạng tranh chấp là gia đình bà Phạm Thị Hồng Thúy đã có đơn đề nghị ngày 26/9/2016 không cấp chủ quyền phần đất hẻm 18 Trần Minh Quyền.
Theo bà Thúy, giữa hai căn nhà số 20 – 22 và số 16 Trần Minh Quyền có hẻm đi chung, hướng thông ra hẻm 660 Điện Biên Phủ và hẻm 34 Trần Minh Quyền, quận 10 có từ trước năm 1975. Các căn nhà thông với hẻm đều có cửa hông và cửa sau trổ ra con hẻm này. Đây là con hẻm chung mà người dân ở đây sử dụng chung từ lâu, xí nghiệp hợp doanh Châu Bá cũng dùng làm đường vận chuyển vật liệu cho sản xuất. Bản thân nhà của bà cũng được UBND quận 10 khi cấp phép xây dựng đã cho trổ 2 cửa bên hông nhà để đi lại. Do đó, bà Thúy làm đơn ngăn chặn gởi Văn phòng đăng ký sử dụng đất TP HCM không cấp chủ quyền con hẻm chung cho ông Châu Bá Luân.
Còn ông Châu Bá Luân cho rằng, trong quyết định chuyển nhượng của UBND TP HCM, diện tích khuôn viên đất là 1.357,2m2 đã bao gồm cả diện tích 47,4m2 của con hẻm chung số 18 Trần Minh Quyền. Đây là phần đất thuộc nhà xưởng mà ông đã mua chỉ định của UBND TP HCM.
Cần xem xét lại việc hóa giá hẻm
Theo ông Huỳnh Bá Phương, Trưởng Ban điều hành khu phố 6 kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố 49, Phó Bí thư Chi bộ KP6, sống tại hẻm 34 Trần Minh Quyền từ năm 1960 đến nay khẳng định hẻm 18 là hẻm chung có trước giải phóng. Sau giải phóng, gia đình ông Châu Bá Luân lập xí nghiệp Công tư hợp doanh sản xuất đắp vỏ xe thì hẻm 18 xe tải chở dầu, keo vào để sản xuất rồi chạy ra hẻm 660 Điện Biên Phủ. Do vậy, người dân hẻm 660 yêu cầu đóng lại nhưng trổ ra hẻm 34/12 Trần Minh Quyền sau lưng nhà ông Phương. Đây là hẻm chung để xe chạy vào đổ vật tư cho xí nghiệp Châu Bá và là nơi sinh hoạt chung của bà con chứ không phải hẻm riêng của xí nghiệp Châu Bá.
Thêm nữa, trong hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà của nhà số 20-22 Trần Minh Quyền, tháng 12/1998 đã được kiểm tra nội nghiệp của Phòng QLĐT-UBND quận 10 đều thể hiện đây là hẻm chung rộng 3,6m và các nhà được trổ cửa hông và sau ra con hẻm này. Chưa kể, chính ngay trong bản vẽ năm 1997 do ông Châu Bá Luân thuê Liên đoàn đo đạc TP HCM vẽ cũng thể hiện rõ con hẻm đi chung.
Hẻm 18 Trần Minh Quyền những nằm đầu sau giải phóng
Thậm chí, chúng tôi đã thu thập tấm ảnh chụp vào những năm sau giải phóng khi căn nhà số 20-22 này khi còn là nhà cấp 4 thì đây cũng là con hẻm chung các nhà đều được trổ cửa ra đây.
Đặc biệt, ngày 4/4/2005, UBND quận 10 có văn bản số 1080 gửi cho ông Châu Bá Luân khẳng định việc UBND quận 10 cấp phép cho nhà 20 – 22 Trần Minh Quyền được phép mở cửa hông là theo các vị trí cũ trước đây. Từ những tư liệu trên có thể nói rằng, hẻm 18 Trần Minh Quyền là hẻm chung tồn tại thực tế từ trước đến nay.
Bên canh đó, một khảo sát của Ban Pháp chế HĐND TP HCM về tình hình hình cháy nổ trên địa bàn Thành phố cho thấy, hầu hết nhà ở của người dân ở khu dân cư là nhà ống chỉ có một cửa đi phía trước khi xảy ra cháy nổ để lại hậu quả đặt biệt nghiêm trọng vì không thể thoát hiểm được. Giải pháp mà Ban Pháp chế khuyến cáo hai nhà sát bên nên thỏa thuận làm một cửa kính thông nhau khi có sự cố thì nhà này dùng búa đập cửa chạy sang nhà kia thoát hiểm. Cho nên, việc bà con mong muốn duy trì con hẻm 18 Trần Minh Quyền để dùng chung cho việc thoát hiểm, chữa cháy, lấy rác vệ sinh… là hợp tình hợp lý.
Thiết nghĩ, UBND TP HCM cần phải xem xét lại việc bán chỉ định 47,4m2 đất của con hẻm 18 Trần Minh Quyền, phường 11, quận 10.