Khi đề cập trực tiếp đến nước Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói “Thậm chí ngay cả với kịch bản lạc quan nhất… mối đe dọa quân sự từ phía đông, thật không may, vẫn còn”, Reuters đưa tin.
Ngày 27/02, phía Ukraine đã thông báo về những trường hợp tử vong đầu tiên trong ba ngày qua (từ 25 - 27/02) ở miền đông Ukraine, và bày tỏ nghi ngờ khả năng bền vững của thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Còn Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko lo ngại rằng Nga sẽ gây “mối đe dọa quân sự” ngay cả khi thỏa thuận Minsk được thông qua.
Tổng thống Petro Poroshenko đến thăm Học viện Quốc phòng Ukraine
Quân đội chính phủ Ukraine chống lại phe ly khai thân Nga ở miền đông nước này bắt đầu kéo pháo hạng nặng ra khỏi khu vực trọng điểm vào ngày 26/02. Đây là động thái thấy quân đội Kiev tôn trọng nghiêm túc lệnh ngừng bắn, có hiệu lực từ ngày 15/02.
Thế nhưng, ngày 27/02, quân đội Kiev thông báo rằng “đã có 3 quân nhân thiệt mạng trong 24h qua”, sau hai ngày hoàn toàn không có một trường hợp tử vong nào xảy ra. Điều này làm dấy lên lo ngại về hi vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi, Reuters đưa tin.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình tại Học viện Quốc phòng Ukraine, khi đề cập trực tiếp đến nước Nga, Tổng thống Petro Poroshenko nói: “Thậm chí ngay cả với kịch bản lạc quan nhất… mối đe dọa quân sự từ phía đông, thật không may, vẫn còn”.
Phát ngôn viên quân đội Ukraine, ông Anatoly Stelmakh, cho biết: Tình hình tại khu vực xung đột “hoàn toàn yên tĩnh” suốt đêm 26/02, mặc dù có những cuộc tấn công riêng lẻ do phiến quân tiến hành nhằm vào các vị trí đóng quân của quân đội chính phủ (Kiev).
Theo ông Anatoly Stelmakh, “Binh sĩ có khả năng cùng nguồn cung cấp dự phòng vẫn còn đủ để đề phòng trường hợp các phần tử khủng bố và lực lượng ủng hộ họ (phe ly khai) vi phạm thỏa thuận ngừng bắn”.
Ngày 27/02, Ukraine tiếp tục rút vũ khí ra khỏi chiến tuyến, nhưng quân đội nước này vẫn duy trì tình trạng báo động cao trong trường hợp xảy ra cuộc tấn công bất ngờ từ phía lực lượng ly khai, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, ông Serhiy Galushko, phát biểu trên truyền hình.
Một đoàn hộ tống lực lượng vũ trang bao gồm xe bọc thép chở quân nhân, xe quân sự, và súng đại bác chuẩn bị rời khỏi thị trấn Debaltseve, ở Blagodatne, miền đông Ukraine, hôm 27/02
Lực lượng ly khai, sau khi giành quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Debaltseve, đã tiến hành rút vũ khí hạng nặng từ hôm 24/02 theo thỏa thuận ngừng bắn Minsk.
Tuy nhiên, chính phủ Kiev lo ngại rằng họ (phe ly khai) có thể tập hợp lực lượng và chuẩn bị tấn công Mariupol, thành phố cảng trên biển Azov nhằm tạo ra hành lang nối liền đại lục Nga thông sang bán đảo Crimea - mà Nga đã sáp nhập hồi năm ngoái, sau khi lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.
Chính quyền Kiev và các nước phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Nga gửi binh sĩ và vũ khí viện trợ cho phe ly khai ở miền đông Ukraine, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được nhất trí tại Thủ đô Minsk (Belarusia) hôm 12/02.
Tuy nhiên, Moscow hoàn toàn bác bỏ “lời buộc tội vô căn cứ” này và luôn đưa ra nghi ngờ đối với việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn của Kiev.
Chính phủ Moscow cũng đặt ra câu hỏi liệu Mỹ và Liên minh châu Âu có muốn thỏa thuận ngừng bắn Minsk thành công hay không khi vẫn tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.