Tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC: Quy định chế tài xử lý hành vi can thiệp vào hoạt động của Tòa án

Quang Trung| 13/11/2014 08:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như Báo Công lý đã đưa tin, ngày 6-7/11, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, TANDTC đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng Hành chính (TTHC). Trong bài viết này, chúng tôi sẽ lược ghi một số ý kiến góp ý của các đại biểu.

Cần có chế tài xử lý đối với hành vi can thiệp

Ông Trần Văn Tú, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, cần phải có chế tài hành chính áp dụng đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử. Trước tiên phải xác định rõ những hành vi nào được xem là hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân? Thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án cho thấy, các hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thể hiện dưới các hành vi như: Tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, yêu cầu họ xét xử có lợi cho mình hoặc tạo sức ép về tâm lý đối với Thẩm phán, Hội thẩm; đe dọa, uy hiếp đối với Thẩm phán, Hội thẩm trong thời gian họ đang thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Như vậy, Luật TTHC cần phải có một điều luật về các hành vi can thiệp đó, làm cơ sở pháp lý áp dụng chế tài hành chính. Chế tài hành chính bao gồm các hình thức xử lý như khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc phạt tiền, đây là các chế tài áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử, nhưng ở mức độ vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Thẩm quyền áp dụng các chế tài đó là cơ quan, tổ chức quản lý cá nhân, cơ quan vi phạm theo kiến nghị của TAND phát hiện ra vi phạm. Các chế tài và thẩm quyền áp dụng phải được quy định trong Luật TTHC.

Tạo sự bình đẳng giữa người khởi kiện và người bị kiện

Trong vụ án hành chính, người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại “yếu thế” hơn so với người bị khởi kiện. Luật sư Huỳnh Thọ, Đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng dẫn chứng, xuất phát từ sự khác biệt về vị trí xã hội nên trong thực tiễn xét xử, các vụ án hành chính, phần tranh luận thường rất đơn thuần. Trong một số phiên tòa, người bị kiện không trả lời phần hỏi và khi tranh luận cũng không đối đáp, một điều cần phải nói thêm HĐXX cũng mong muốn cho phần tranh luận trong vụ án hành chính mau kết thúc. Phần hỏi chưa rõ, phần tranh luận cũng chưa thể hiện tình tiết khách quan của vụ án có phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án có phù hợp với các chứng cứ tài liệu khác trong hồ sơ vụ án cho nên việc phán quyết của HĐXX chưa thuyết phục và đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa. Luật sư Huỳnh Thọ đề nghị, Luật TTHC mới nên quy định tách Tòa Hành chính ra khỏi Tòa án địa phương vì thực tế, Tòa Hành chính địa phương xét xử sơ thẩm, phúc thẩm xong thì bị TANDTC sửa án hoặc hủy án rất nhiều.

Tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC: Quy định chế tài xử lý hành vi can thiệp vào hoạt động của Tòa án

Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về nhiều nội dung thiết thực

Để kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong vụ án hành chính, ông Đoàn Văn Đức, VKSND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, Luật TTHC cần sửa đổi theo hướng, KSV khi tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và nội dung trong quá trình giải quyết vụ án, có như vậy thì việc thực hiện quyền của VKS theo khoản 1 Điều 23 Luật TTHC mới có hiệu quả. Bởi lẽ, thực tế khi KSV tham gia phiên tòa án hành chính sơ thẩm của cấp huyện thường có quan điểm chủ quan, chỉ tập trung nghiên cứu về phần tố tụng, ít đi sâu nghiên cứu về nội dung vụ án. Từ đó dẫn đến việc bản án sơ thẩm tuyên đúng, sai VKS cấp sơ thẩm không thể hiện quan điểm kháng nghị hay không, trong khi đó án phúc thẩm bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ cao.

Kiến nghị xử lý khi sửa quyết định bất lợi cho người dân

Ông Đỗ Khắc Tuấn, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc người bị kiện ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định bị kiện hoặc khắc phục hành vi bị khởi kiện ở giai đoạn xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp này Tòa án phải xem xét tính hợp pháp của quyết định bị khởi kiện và quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định bị khởi kiện để tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có quyết định đúng pháp luật. Phân tích rõ hơn về vấn đề này, theo ông Trần Văn Tú, người bị kiện sửa đổi, bổ sung đối tượng khởi kiện, nghĩa là người bị kiện ra quyết định hành chính mới có nội dung sửa đổi nội dung quyết định hành chính bị kiện. Trường hợp người bị kiện sửa đổi đối tượng khởi kiện theo hướng có lợi cho người khởi kiện thì đối tượng khởi kiện do người khởi kiện quyết định. Nếu người khởi kiện vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì đối tượng khởi kiện là hai quyết định hành chính, trường hợp này, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định chung. Còn trường hợp người bị kiện sửa đổi, bổ sung đối tượng khởi kiện theo hướng bất lợi cho người khởi kiện hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba thì Tòa án không xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung đó của người bị kiện, mà kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về hành vi cố ý ra quyết định trái pháp luật, cơ quan quản lý cấp trên xem xét về trách nhiệm của người bị kiện.

Phát biểu kết luận, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nhận xét, tất cả các ý kiến nêu ra đều xuất phát từ nghiên cứu các quy định pháp luật TTHC và thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính nên rất sát thực và là cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC của TANDTC đưa vào hồ sơ Dự án Luật trình Quốc hội; đồng thời là căn cứ thực tiễn cho việc xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật TTHC và xây dựng các quy định mới nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp cũng như đòi hỏi của thực tiễn. Tất cả các ý kiến sẽ được Tổ Thư ký tổng hợp đầy đủ để Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Báo cáo tổng kết thi hành Luật TTHC, là cơ sở để giải trình với các cơ quan thẩm tra và Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC: Quy định chế tài xử lý hành vi can thiệp vào hoạt động của Tòa án