Tổng kết 6 năm thi hành Luật Bồi thường Nhà nước: Nên có một cơ quan đầu mối thực hiện việc bồi thường oan sai

Quốc Huy| 07/01/2016 22:13
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cần xem xét quy định quyền miễn trừ nghĩa vụ hoàn trả đối với cán bộ tư pháp thực thi nhiệm vụ đúng quy định pháp luật là ý kiến đề xuất đưa ra tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước (Luật TNBTNN) ngày 7/1.

6 năm chi trả trên 111 tỷ đồng đồng tiền bồi thường

Theo số liệu tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, từ khi Luật có hiệu lực đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), còn lại 54 vụ việc đang tiếp tục giải quyết, với tổng số tiền bồi thường là trên 111 tỷ đồng.

TAND các cấp đã thụ lý 51 vụ án dân sự về bồi thường Nhà nước; đã giải quyết xong 39 vụ việc, với số tiền trên 32 tỷ đồng, còn 12 vụ việc đang giải quyết. Các cơ quan tố tụng (Tòa án, VKS, Công an) và thi hành án dân sự đã thực hiện chi trả 87 hồ sơ với tổng số tiền trên 32 tỷ đồng.

Tổng kết 6 năm thi hành Luật Bồi thường Nhà nước: Nên có một cơ quan đầu mối  thực hiện việc bồi thường oan sai

Tuy nhiên, quá trình triển khai có nhiều bất cập, đó là: Số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đã thụ lý, giải quyết trong cả 3 lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án là không nhiều, chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực thi pháp luật và chế độ công vụ của đội ngũ công chức, nhất là trong hoạt động quản lý hành chính. Theo báo cáo của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh thì có tới 20 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 39 địa phương không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, trong khi các cơ quan quản lý hành chính, hàng năm phải giải quyết rất nhiều khiếu nại, tố cáo của cá nhân, tổ chức, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, cấp, thu hồi đất đai… Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết bồi thường; các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường không đảm bảo thời hạn theo quy định của pháp luật... Trong thời gian 6 năm qua, cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét trách nhiệm hoàn trả chưa được thực hiện kịp thời, số lượng vụ việc đã xem xét trách nhiệm hoàn trả trong cả 3 lĩnh vực (chủ yếu là trong quản lý hành chính và thi hành án dân sự) là rất ít, 22/204 vụ việc, với tổng số hơn 600 triệu đồng.

Nên có một cơ quan đầu mối thực hiện việc bồi thường

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền cho biết, thực hiện Luật TNBTNN, thời gian qua lãnh đạo TANTC đã chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ vì vậy chất lượng trong công tác chuyên môn đã có chuyển biến tích cực, nên trong những năm gần đây không có xảy ra án oan sai phải bồi thường. Còn việc tiến hành bồi thường vụ án đã xảy ra những năm trước đây, đến nay Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc, đã giải quyết xong 32 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là trên 37 tỷ đồng, còn 6 vụ việc đang giải quyết.

Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền khẳng định, lãnh đạo TANDTC rất quyết liệt trong việc nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức Tòa án. Xác định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là nơi người dân đặt niềm tin vào công lý; nếu cố tình vi phạm pháp luật gây oan sai phải bồi hoàn theo quy định.

Phó Chánh án cũng đề nghị, cần sửa đổi Luật TNBTNN  liên quan đến các vấn đề như: nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của người bị làm oan; cơ chế bồi thường những chi phí phát sinh xung quanh việc kiện đòi bồi thường của đương sự… Đồng thời, nên có quy định miễn trừ trách nhiệm bồi hoàn đối với cán bộ thực thi nhiệm vụ đúng quy định nhưng vì nhiều lý do khác nhau, còn trong trường hợp lỗi cố ý ngoài trách nhiệm hình sự (theo quy định) thì vẫn phải bồi hoàn. Như vậy sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm và đảm bảo công bằng trong thực thi công vụ.

Đại diện Cục Thi hành án Hà Nội cũng đồng tình quan điểm trên và cho rằng nên có một cơ quan đầu mối thực hiện việc bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bên cạnh đó, cần hệ thống, pháp điển hóa các văn bản pháp luật về bồi thường vì với “rừng” luật như hiện nay, các Sở, ngành, cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc nên không thể nghiên cứu chuyên sâu các quy định về bồi thường để áp dụng khi có vụ việc xảy ra.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng đồng tình, làm thế nào để cán bộ làm việc hết trách nhiệm của mình một cách vô tư khách quan, chứ không né tránh sợ sệt mới là điều quan trọng. Bồi hoàn bằng cách khấu trừ lương chưa hẳn đã đảm bảo tính răn đe hơn hình thức khác là đánh vào lòng tự trọng, danh dự của người đó. Vì vậy sẽ cân nhắc sửa luật cho phù hợp.

Luật sư Phạm Thị Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, con số bồi thường trong thời gian qua chưa đúng với thực tế, chủ yếu bồi thường trong tố tụng, trong khi đó thực tế oan sai trong cơ quan quản lý hành chính Nhà nước mới là nhiều. Nguyên nhân là do vướng mắc quy định trong tại Điều 6 Luật TNBTNN. Việc chứng minh được quyết định hành chính Nhà nước sai đối với người dân là không hề dễ dàng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết 6 năm thi hành Luật Bồi thường Nhà nước: Nên có một cơ quan đầu mối thực hiện việc bồi thường oan sai