Ngày 11/6, TANDTC phối hợp với Liên minh châu Âu, UNDP và UNICEF tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hoạt động và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên”.
Toạ đàm được diễn ra trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thẩm phán TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho biết, trong thời gian qua, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua một số đạo luật liên quan đến tổ chức hoạt động của TAND cũng như pháp luật hình sự, tố tụng hình sự về tư pháp người chưa thành niên.
Theo quy định của Luật Tổ chức TAND tại các Điều 30, 38 và 45 thì trong cơ cấu tổ chức của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện có Tòa Gia đình và người chưa thành niên.
Đối với BLHS đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên.
Triển khai các quy định trên, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo Tòa án các cấp tổ chức Tòa Gia đình và người chưa thành niên và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổng kết thực tiễn xét xử, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp người chưa thành niên.
Bước đầu, hoạt động của các Tòa án trong công tác giải quyết các vụ việc này đã đạt hiệu quả tích cực.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi tọa đàm, định hướng các nội dung thảo luận
Trong phần thảo luận, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, gia đình là tế bào của xã hội; trẻ em là tương lai của đất nước. Bởi vậy, việc bảo vệ và phát triển gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm, đặc biệt là sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990.
Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật về hôn nhân gia đình và người chưa thành niên, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo vệ trẻ em và bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự.
Việc ra đời của Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong tổ chức bộ máy của TAND là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp. Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật nói riêng.
Điều đó chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà gia đình và người chưa thành niên là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây cũng là phương thức để thực hiện nguyên tắc hiến định về việc xét xử kín đối với người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013.
Việc thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sự sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của TAND theo hướng hợp lý hơn, mà còn là thiết chế mới tạo điều kiện để chuyên môn hóa công tác giải quyết các vụ việc về gia đình và người chưa thành niên nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và rút ngắn thời hạn giải quyết những vụ việc này tại TAND.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các đại biểu trong nước và quốc tế đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong thực tiễn giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TP Hồ Chí Minh, TAND tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm quốc tế nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhận thức về tư pháp cho trẻ em, vai trò của Tòa án trong công tác giải quyết, xét xử các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, bà Shelley Casey, Chuyên gia UNICEF tại Việt Nam trình bày sự cần thiết phải có cách tiếp cận chuyên biệt đối với người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp hình sự và những biện pháp thiết thực mà Thẩm phán có thể áp dụng để tăng cường bảo vệ người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp; kinh nghiệm quốc tế về đánh giá chứng cứ giám định pháp y tại Tòa án trong các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em.
Thẩm phán Judy Ryan công tác tại Tòa Gia đình Australia chia sẻ những quy định về bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em tại Tòa Gia đình trong trường hợp xét xử các vụ án hình sự có liên quan đến xâm hại tình dục; giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em trong các vụ việc gia đình; kinh nghiệm và bài học của Tòa Gia đình Australia...
Đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương nêu lên một số vấn đề cần chú ý trong việc giải quyết các vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại Tòa án.
Lãnh đạo TAND tỉnh Đồng Tháp và TAND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên. Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh trình bày một số vấn đề cần chú ý trong việc giải quyết các vụ án hình sự về xâm hại tình dục có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại Tòa án...
Đánh giá về thực tiễn công tác của Tòa Gia đình và người chưa thành niên, đa số các đại biểu đánh giá cao mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội, đó là giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tòa Gia đình và người chưa thành niên luôn bảo đảm quyền có người bào chữa; bảo đảm nguyên tắc bảo mật thông tin liên quan đến người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án. Phiên tòa thân thiện, gần gũi để bị cáo có tâm lý ổn định, an tâm tham gia phiên tòa.
Đối với các vụ án hôn nhân và gia đình, Tòa án giải quyết trên nguyên tắc bảo vệ truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
Giải quyết tốt các vấn đề thuộc quan hệ gia đình, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với việc chăm sóc, giáo dục con cái; hạn chế, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật, tạo môi trường lành mạnh để trẻ em phát triển thể chất và nhân cách, góp phần vào sự ổn định chung của toàn xã hội.