Từ ngày 01/10/2022 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công 78 phiên tòa trực tuyến. Các phiên tòa xét xử trực tuyến được lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Ngày 12/11/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Ngày 15/12/2021, TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ký ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội, từ ngày 01/01/2022, TAND được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Sau khi các văn bản về tổ chức phiên tòa trực tuyến được ban hành, TAND tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương phối hợp với cơ quan Công an, VKSND và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao tỷ lệ, chất lượng giải quyết án và năm 2022 đã đạt được những kết quả bước đầu hết sức khả quan, TAND hai cấp trong tỉnh đã tổ chức được 39 phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án hình sự và hành chính.
Ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các đơn vị Tòa án trong tỉnh tiếp tục quan tâm công tác tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến theo tinh thần chỉ đạo của TANDTC là giao chỉ tiêu là TAND cấp tỉnh 3 phiên tòa trực tuyến/năm, TAND cấp huyện 2 phiên tòa trực tuyến/năm và đặc biệt phải xem đây là một trong những giải pháp thiết thực góp phần nâng cao tỷ lệ và chất lượng giải quyết các loại vụ án.
Do chưa được đầu tư trang thiết bị chuyên dùng để tổ chức phiên tòa trực tuyến nên các Tòa án phải tận dụng trang thiết bị hiện có, mượn thiết bị của đơn vị bạn và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tổ chức thành công các phiên tòa trực tuyến.
Từ ngày 01/10/2022 đến nay, TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công 78 phiên tòa trực tuyến, trong đó: TAND tỉnh tổ chức được 22 phiên tòa trực tuyến (án hình sự 21 phiên tòa; án hành chính 1 phiên tòa), trong đó có 2 phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm án hình sự, án hành chính theo kế hoạch của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; TAND cấp huyện tổ chức được 56 phiên tòa trực tuyến xét xử án hình sự, dân sự.
Bên cạnh đó, TAND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp thực hiện là điểm cầu thành phần đối với 30 phiên tòa xét xử trực tuyến do TAND cấp cao tại TP.HCM tổ chức.
Qua kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp. Tạo cơ chế thuận lợi để bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa. Giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân, giảm thiểu tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có thể phát sinh từ việc đi lại đến địa điểm mở phiên tòa.
Các phiên tòa xét xử trực tuyến được TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng lên kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các điểm cầu hình ảnh, âm thanh rõ ràng, những người tiến hành tố tụng thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt đối với các vụ án về tội xâm hại trẻ em, kinh tế, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… vì phương thức tiến hành tố tụng này cho phép bị hại, người làm chứng, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn.
TAND hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức thành công 72 phiên tòa xét xử trực tuyến đối với 72 vụ án hình sự với 92 bị cáo. Nổi bật là các phiên tòa xét xử trực tuyến vụ án “Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác” xảy ra tại TP. Sóc Trăng có rất nhiều người tham gia tố tụng trong đó có 14 bị hại là người dưới 18 tuổi.
Các vụ án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc” xảy ra tại TP. Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung có rất nhiều người tham gia tố tụng; vụ án “Giết người và Cướp tài sản” xảy ra tại huyện Long Phú có tính chất rất phức tạp, mâu thuẫn rất gay gắt, căng thẳng giữa bị cáo với gia đình nạn nhân và có khả năng xảy ra mất trật tự tại phiên tòa nếu xét xử trực tiếp… đã được tổ chức xét xử trực tuyến thành công, đảm bảo quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.
Tuy nhiên, các đơn vị Tòa án trong tỉnh Sóc Trăng hiện nay còn gặp khó khăn trong công tác tổ chức xét xử trực tuyến đó là: trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các Tòa án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn thiết bị là tận dụng các thiết bị từ phòng họp trực tuyến hiện có và mượn của đơn vị bạn, chuyển đổi công năng để tổ chức xét xử nên đôi lúc chất lượng đường truyền, âm thanh, hình ảnh tại phiên tòa xét xử trực tuyến còn hạn chế.
Do đó, trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến, cấp có thẩm quyền cần đầu tư nguồn kinh phí để trang bị trang thiết bị chuyên dùng cho công tác tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.