Tình thầy nơi biên giới Trường Sơn

congly.com.vn| 13/04/2012 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Là những người lính "vận động quần chúng", dần dà họ trở thành những người thầy "đặc biệt", cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân bản và được dân bản tin yêu, mến phục. Đó là những gì mà Đại úy Hồ Ngói và Trung úy Hồ Đui ở Đồn biên phòng 589 Ra Mai, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đạt được.


Những người lính vận động


Trước đây, vùng Lòm ở xã Trọng Hóa-huyện Minh Hóa là một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi. Đó là nơi sinh sống của những tộc người Khùa và người Mày. Đồng bào nơi đây quanh năm sống trong cảnh "bốn không" (không điện, không đường, không trường, không trạm y tế). Đa số họ đều mù chữ, cuộc sống hết sức nghèo nàn và lạc hậu. Từ vùng đất này, dân bản muốn ra tới trung tâm xã phải cắt rừng đi bộ gần 30 km. Nhiều thế hệ nơi đây chưa bao giờ biết đến cái chữ là gì.


Năm 2005, Đồn 589 Ra Mai đã tiến hành khảo sát thực tế, vận động nhân dân độ tuổi từ 15 đến 35 thuộc vùng Lòm tham gia lớp học xóa mù chữ. Đồn ký kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Minh Hóa mở 6 lớp học dạy chữ cho đồng bào. Cán bộ trong Đồn đã quyên góp được số tiền 10 triệu đồng cho việc làm phòng học, mua sách vở, bút mực cho các học viên.

Thầy Đui kể về chuyện đời lính, đời thầy giữa núi rừng Trường Sơn


Thượng tá Hồ Quang Phúc - Đồn trưởng Đồn 589 Ra Mai nhớ lại: "Ngày đó, đơn vị giao nhiệm vụ cho Đại úy Hồ Ngói và Trung úy Hồ Đui trong đội vận động quần chúng phụ trách việc dạy học xóa mù chữ cho bà con vùng Lòm. Vì hai chiến sĩ này là người dân bản địa nên rất thông thạo địa hình và phong tục tập quán. Qua gần 4 năm thực hiện, chương trình đã xóa mù chữ cho 181 học viên”.


Anh Hồ Viên (một học viên) mừng vui nói như khoe: “Lớp học vui lắm! Chúng tôi buổi đi học, buổi lên rẫy. Tối đến là nhà nào nhà nấy chong đèn học bài. Cái gì không biết thì hỏi thêm thầy Ngói, thầy Đui.


Hai người thầy mang "quân hàm xanh"


Đại úy Hồ Ngói sinh ra và lớn lên ở bản La Trọng 1-xã Trọng Hóa. Năm 1991, anh đi bộ đội, đến năm 1993 được biên chế vào Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Một thời gian sau, anh được chuyển xuống Đồn 589 Ra Mai làm ở đội vận động quần chúng và được đơn vị giao nhiệm vụ đi dạy xóa mù chữ cho bà con dân bản.


Còn Trung úy Hồ Đui ở bản Ý Leng-xã Dân Hóa. Học xong lớp 12, anh đi bộ đội và đến năm 2004, anh được tuyển vào biên chế của Đồn 589 Ra Mai và được giao nhiệm vụ dạy xóa mù chữ cho bà con vùng Lòm.


Tháng năm trôi qua, hai chiến sĩ trở thành hai "người thầy đặc biệt" này lại cơm đùm gạo bới vào Lòm cắm bản dạy học cho bà con. Những khi lũ lụt, cả tháng trời các anh không về được nên phải ở lại ăn củ sắn, củ mài với bà con dân bản.


Khi ý bộ đội đã hợp lòng dân bản, họ đã cùng với những người “thầy” lên rừng chặt gỗ, chặt lá về dựng trường. Qua gần nửa tháng, 6 phòng học tạm bợ được dựng lên giữa đại ngàn Trường Sơn. Thầy Ngói và thầy Đui mỗi người phụ trách 3 lớp học. Cũng từ đó cả vùng Lòm như vui hơn. Tiếng đọc bài rộn vang cả bản làng.


Đại úy Ngói nhớ lại: "Ngày đó, chúng tôi rất khó khăn trong việc vận động dân bản đến lớp. Vì nhiều người đã lớn tuổi nên họ ngại. Nhưng rồi, chúng tôi phối hợp với già làng, trưởng bản đến từng nhà vận động, giải thích cho họ thấy được tầm quan trọng của việc học chữ Bác Hồ, họ mới chịu nghe".


Ở trên lớp, hai chiến sĩ biên phòng này là “thầy”, nhưng hết giờ học, họ với dân bản là anh em ruột thịt, là người một nhà. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sống với nhau nên tình cảm quân dân luôn được thắt chặt, gắn bó.


Trung úy Hồ Đui tâm sự: "Để đạt được kết quả cao trong việc dạy học, chúng tôi phải soạn giáo án sao cho phù hợp trình độ, lứa tuổi. Trong quá trình dạy, vừa sử dụng tiếng phổ thông, vừa sử dụng tiếng địa phương mới dễ học, dễ hiểu".


Ông Hồ Khiên, Trưởng bản Tà Vờng-Tà Dong đã từng là học trò của hai thầy nói: "Dân bản mình rất quý “thầy” Ngói và “thầy” Đui! Họ không chỉ dạy chữ cho dân bản mà còn dạy cách làm ăn, cách nuôi dạy con cái, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan nữa".


Giờ đây, vùng Lòm, mảnh đất xa xôi phía Tây của Tổ quốc đang đổi thay từng ngày. Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao. Cái đói, cái nghèo đang giảm dần. Những phong tục, tập quán lạc hậu đang dần được xóa bỏ...


“Sắp tới, Đồn tiếp tục phối hợp với Trung tâm GDTX huyện Minh Hóa mở thêm lớp xóa mù chữ cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã Trọng Hóa để chị em được học tập, nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa... trên địa bàn. Và chúng tôi lại giao cho Đại úy Hồ Ngói và Trung úy Hồ Đui tiếp tục nhận nhiệm vụ này”, Thượng tá Hồ Quang Phúc-Đồn trưởng Đồn 589 Ra Mai nói trước lúc chia tay với chúng tôi.


Hoàng Văn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình thầy nơi biên giới Trường Sơn