Đó là ý kiến nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang vào sáng 22/7.
Sau sáp nhập, tỉnh An Giang có diện tích hơn 9.888 km2, địa bàn hội tụ đủ các yếu tố “biển - biên giới - nội địa”, có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế biên mậu, logistics và đô thị thông minh.
An Giang là tỉnh có quy mô dân số đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gần 5 triệu người); có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, với đường bờ biển dài hơn 200km, tuyến biên giới gần 148km giáp Vương quốc Campuchia.
Về thực hiện công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy sau sáp nhập, Đảng bộ tỉnh An Giang có 107 đảng bộ trực thuộc; 1.056 tổ chức cơ sở đảng; 2.089 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; 3.093 chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường đặc khu; với 131.474 đảng viên.
Thực hiện chủ trương của Trung ương về sắp xếp tổ bộ máy và đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, bộ máy cấp tỉnh, cấp xã đã chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7 đảm bảo thông suốt, không gián đoạn, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, ngoài sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh An Giang đã khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030; đăng ký trình Bộ Chính trị cho ý kiến về dự thảo văn kiện và phương án nhân sự Đại hội Đảng bộ tỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 25/8 đến ngày 30/8 và thời gian tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 trong khoảng thời gian từ ngày 25/9 đến ngày 5/10.
Song song đó, địa phương cũng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội toàn diện gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; đột phá mạnh từ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh An Giang kiến nghị với đoàn công tác đề nghị Trung ương, bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện.
Để phát triển lĩnh vực mũi nhọn của địa phương là du lịch, tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục mở rộng diện miễn visa đối với khách du lịch quốc tế vào Việt Nam để tạo cơ hội cho An Giang thu hút, chia sẻ nguồn khách quốc tế thông qua các Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và sớm có chính sách đầu tư kéo điện lưới quốc gia, cáp quang ra Đặc khu Thổ Châu, quần đảo Nam Du (thuộc Đặc khu Kiên Hải), để phục vụ nhân dân trên đảo phát triển kinh tế - xã hội cũng như góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh….
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương nỗ lực của tỉnh An Giang trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, những nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, sau sáp nhập, tỉnh An Giang hội tụ đủ các yếu tố để phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Về phát triển kinh tế - xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh An Giang đã đạt tốc độ phát triển kinh tế đạt 8,12%. Các lĩnh vực khác có nhiều chuyển biến tiến bộ, nhất là việc chăm lo gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách được quan tâm thực hiện. Công tác chuẩn bị, nhất là các điều kiện để triển khai các công trình, dự án phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc được thực hiện tích cực. An ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hoạt động thông suốt, hiệu quả, không để gián đoạn, chậm trễ, sót việc;
Tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động thôi công tác, nghỉ hưu sớm do sắp xếp theo hướng dẫn của Trung ương.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh An Giang triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra.
Song song với phát triển kinh tế, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh An Giang phải đặt con người vào vị trí trung tâm, phát triển toàn diện nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.
Tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. Tiếp tục mở rộng hợp tác với các tỉnh biên giới của nước bạn Campuchia, nâng cao hiệu quả quản lý biên giới và tạo lập vùng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Hội nghị APEC 2027 tại Phú Quốc.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị tỉnh An Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện để chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030. Khẩn trương hoàn thiện văn kiện, nhất là dự thảo báo cáo chính trị để lấy ý kiến đóng góp của Đại hội Đảng các đảng bộ trực thuộc; chú trọng cập nhật những định hướng, tư tưởng chỉ đạo mới của Hội nghị Trung ương 12.
Kịp thời kiện toàn cấp ủy khóa mới. Quan tâm chuẩn bị phương hướng bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
“Về những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của tỉnh An Giang: ngoài một số nội dung Đoàn công tác đã giải đáp, hướng dẫn, những vấn đề không thuộc thẩm quyền, đề nghị tổ công tác giúp việc tập hợp gửi Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét”, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý.