Tìm thương hiệu từ du lịch lễ hội

PV| 03/12/2017 12:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bao giờ chúng ta có một lễ hội làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam, giống như Nhật Bản có lễ hội hoa anh đào, hay Đức có lễ hội bia Oktoberfest? Trước khi trả lời những câu hỏi ấy, hãy xem những điểm đến du lịch của chúng ta đã làm lễ hội như thế nào.

8000 lễ hội vẫn… thiếu

Trước hết, xin khẳng định ngay là Việt Nam chẳng thiếu gì lễ hội. Vì với con số gần 8000 lễ hội mỗi năm thì trung bình, mỗi ngày người Việt có 22 lễ hội, mỗi giờ có 1 lễ hội. Lớn nhất cả nước hiện giờ là Lễ hội đền Hùng, với 7 triệu lượt khách trong năm ngày (số liệu năm 2016), tức là tương đương với lượng khách trung bình hàng năm đến lễ hội bia Oktoberfest tại Munich (Đức). Festival Huế rất hay, nhưng những kỳ festival gần đây, thời gian lưu trú tại Huế của du khách trong thời gian Huế tổ chức festvial lại giảm so với trước.

Tìm thương hiệu từ du lịch lễ hội

Bếp nấu rượu của người dân tộc

Trả lời chất vấn về vấn đề này tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, ông Lê Hữu Minh, Q.Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, nguyên nhân chính khiến Huế không thể giữ chân được khách là do thiếu chỗ để khách vui chơi. Ở Huế cả tuần lễ hội, nhưng đi một vòng di sản cố đô, rồi loanh quanh xem mấy hoạt động lễ hội nặng về phần lễ, thiếu đi sức sống của phần hội và ít sự tương tác với người xem, du khách thấy chưa đủ, chưa đã.

Thiếu một sự đầu tư bài bản, cũng chưa xác định được một hướng đi rõ ràng, du lịch lễ hội của Việt Nam nhiều năm rồi vẫn chỉ là một sản phẩm phụ được “sản xuất” theo mùa. Trong khi đó, tiềm năng của loại hình này trên thế giới lại vô cùng hấp dẫn.

Như Carnival ở Rio de Janeiro chẳng hạn, mỗi năm lễ hội có lịch sử hơn 200 năm này kéo dài một tháng, và đem về cho đất nước Brazil khoảng hơn 6 triệu đô la doanh thu, tạo nguồn thu nhập có thể nói là “tăng phi mã” cho các nhà hàng khách sạn trong dịp này.

Trong khi đó, chỉ riêng lễ hội bia lớn nhất thế giới Oktoberfest ở Munich (Đức) mỗi năm cũng đều đặn mang về hơn một tỷ Euro cho thành phố này, với con số khách trên dưới 6 triệu lượt trong hai tuần lễ hội.

Ngay ở láng giềng Thái Lan, chỉ riêng Lễ hội té nước -Songkran Festival 2016, du lịch Thái Lan ước tính thu 15 triệu baht (tương đương 452.516 đô la) và đón 1 triệu du khách trong 5 ngày, trong đó có 440.000 du khách quốc tế, tức là nhiều hơn lượng khách quốc tế đến Lào Cai trong 6 tháng đầu năm 2017 (416.000 lượt).

Chuyển hướng- tại sao không?

Làm lễ hội và tạo thương hiệu cho du lịch bằng lễ hội đương nhiên khó, vì thứ nhất là …tốn kém, thứ nữa là nhân lực du lịch phải tự làm chứ không trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên được.

Thế nhưng nếu bỏ qua sản phẩm đầy triển vọng và có khả năng hái ra tiền này thì quả lãng phí, bởi theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) lượng khách du lịch hàng năm trên toàn cầu là khoảng 1,2 tỷ người, trong đó khách du lịch văn hóa lễ hội và sự kiện chiếm đa số và không ngừng tăng cao.

Tìm thương hiệu từ du lịch lễ hội

Lễ hội khèn

Đã có những điểm đến, những khu du lịch của Việt Nam đón đầu xu thế này. Như Đà Nẵng chẳng hạn. Quyết tâm xã hội hóa và nâng tầm Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế từ hai ngày thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF- kéo dài 2 tháng, Đà Nẵng đã tăng gần gấp đôi lượng du khách trong thời gian lễ hội.

Ngay trong thành phố Đà Nẵng cũng có những điển hình làm lễ hội thành công và khẳng định sự độc đáo nhờ lễ hội như khu du lịch Sun World Ba Na Hills. Đến giờ, khi nhắc đến trình diễn carnival Bà Nà Hills, du khách sẽ liên tưởng ngay đến những vũ công nước ngoài trong những trang phục sặc sỡ, cống hiến những màn biểu diễn nghệ thuật sôi động, hấp dẫn… Sự hưởng ứng của khán giả cho thấy carnival Bà Nà Hills đã thành thương hiệu, thành “biểu tượng” của khu du lịch này.

Thậm chí, mùa nào ở Sun World Ba Na Hills cũng có lễ hội. Xuân có Lễ hội hoa xuân, hạ có Lễ hội rượu vang, thu được bắt đầu bằng Lễ hội bia B’estival, đông lên Bà Nà sẽ gặp Lễ hội Halloween, Lễ hội giáng sinh… Cách làm ấy đã phá vỡ một thông lệ, một lối mòn của du lịch Việt Nam, khi chỉ tập trung tổ chức cả ngàn lễ hội trong tiết mùa xuân.

Sau Sun World Ba Na Hills, hệ thống các khu vui chơi giải trí mang thương hiệu Sun World của Sun Group cũng xác định: lễ hội là một sản phẩm chủ lực, gia tăng sức hấp dẫn và khẳng định thương hiệu cho một điểm đến.

Tìm thương hiệu từ du lịch lễ hội

Đám cưới người Dao

Như Sun World Fansipan Legend, dù chỉ mới đi vào hoạt động đầu năm 2016, nhưng cho đến giờ, khu du lịch này đã đem đến cho vùng núi Tây Bắc khá nhiều những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng, điều trước nay điểm đến này có thừa tiềm năng nhưng chưa được đầu tư kỹ lưỡng. Từ Lễ hội khèn hoa và không gian văn hóa Tây Bắc, Lễ hội hoa đỗ quyên, tới gần đây nhất là Lễ hội rượu và ẩm thực Tây Bắc, Sun World Fansipan Legend đã cho du khách được thấm cái văn hóa vùng cao, còn người dân Tây Bắc thì có thêm cơ hội mang những đặc sản họ làm ra để tiếp cận gần hơn với du khách.

Du lịch lễ hội, một khi đã làm tốt thì không chỉ du khách ham mà chính người làm du lịch cũng nhìn thấy nhiều cơ hội. Thế nên, chuyển hướng hay không thì câu trả lời lại nằm ở chính những người có tâm huyết làm du lịch một cách bài bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm thương hiệu từ du lịch lễ hội