Sau nhiều ngày bãi thương để phản đối chính sách mới, chiều 29/11, sau cuộc đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, rất đông tiểu thương đã quay lại mở cửa để kinh doanh.
Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh-Đặng Quốc Khánh-đã có buổi đối thoại với hơn 1.500 hộ tiểu thương, kinh doanh tại chợ thành phố Hà Tĩnh về chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn.
Tại buổi đối thoại, những lo lắng, bất an của bà con tiểu thương đã được Chủ tịch tỉnh Đặng Quốc Khánh giải thích rõ ràng. Hàng loạt câu hỏi như có phải tỉnh và thành phố đã bán chợ cho tư nhân không? Có phá bỏ đình chợ 2 tầng không? Những quầy kinh doanh cố định từ trước có được giữ nguyên vị trí lúc đầu không? Những hợp đồng đang còn thời hạn có giá trị nữa không? Sau khi chuyển đổi hợp đồng mới thì được ký trong thời gian bao lâu? Bà con tiểu thương cũng đề nghị, lộ trình chuyển đổi chợ phải lấy ý kiến của nhân dân; kiểm tra, thanh tra việc cho thuê ki ốt kinh doanh vượt thiết kế quy hoạch ban đầu…
Các tiểu thương đã mở lại ki ốt để kinh doanh sau cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh.
Trước tất cả các tiểu thương, Chủ tịch Đặng Quốc Khánh đã trả lời thấu đáo mọi câu hỏi và khẳng định tỉnh không có chủ trương bán chợ hay phá bỏ đình chợ 2 tầng.
“Việc xuất hiện thông tin tỉnh bán chợ là không có cơ sở. Một công trình được đầu tư như vậy, được quy hoạch và sử dụng tốt thì không có lí do gì phải phá bỏ. Bà con cứ yên tâm kinh doanh, nếu phát hiện ai phát tán thông tin như vậy đề nghị bà con cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý”, ông Khánh nhấn mạnh.
Chợ đã được xây dựng 15 năm nay, tiểu thương vào kinh doanh đã đóng góp rồi nên sẽ không thu thêm đồng nào nữa, chỉ thu các phí quản lý về điện nước, môi trường, bảo vệ.
Chị Đào Ngọc Thúy - hộ bán quần áo tại chợ vui vẻ cho biết rất yên tâm về cách triển khai chuyển đổi mô hình chợ như Chủ tịch tỉnh đã nói.
Về việc ký tiếp hợp đồng đối với các hộ kinh doanh đã hết hạn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Sau khi hết hạn hợp đồng cũ 15 năm, việc tiếp tục ký hợp đồng mới là bắt buộc để tài sản của bà con kinh doanh trong chợ được bảo vệ, đảm bảo an toàn, đảm bảo tính pháp lý".
Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập về công tác quản lý chợ Hà Tĩnh hiện nay như phá vỡ quy hoạch ban đầu, gây lộn xộn, mất an toàn trong PCCN, đặc biệt bộ máy quản lý cồng kềnh, hiệu quả lại không cao đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bà con tiểu thương và người dân.
Rất đông người dân đã đi mua sắm khi các tiểu thương mở cửa lại.
Trước những phân tích và trả lời hợp lý của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, đông đảo bà con tiểu thương đã phấn khởi vui vẻ đồng thuận với chủ trương chuyển đổi mô hình chợ Hà Tĩnh.
“Việc chuyển đổi phải đảm bảo nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của người dân. Chuyển đổi phải đảm bảo để người dân kinh doanh tốt hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên” - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.