Nhiều người dân cho biết, Trường là người hiền lành, hiếm khi gây sự với ai. Thế nhưng, chỉ vì một xích mích nhỏ trong đám cưới kết hợp với men rượu, gã đã trở thành kẻ sát nhân. Gã trốn với ý định chối tội nhưng cuối cùng cũng phải sa lưới.
Án mạng đau lòng
Ngày 20/10/2013, Bùi Hữu Trường (40 tuổi, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cùng bốn anh em ruột là Bùi Hữu Hoàng, Bùi Hữu Chiến, Bùi Hữu Phong, Bùi Hữu Chung đến dự đám cưới của một người bà con tại huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Khi anh em Trường đến thì bữa tiệc đã bắt đầu. Cả năm người được xếp ngồi chung bàn cười nói, cụng ly, chúc mừng gia chủ hạnh phúc một cách vui vẻ. Đến tiết mục hát góp vui, thấy mọi người lên hát, anh em Trường cũng lên góp vui.
Đến lượt Chung đang đứng hát trên sân khấu thì Trần Trung Kiên ngồi bàn bên cạnh cũng chạy lên cổ vũ bằng cách nhảy phụ họa. Do lúc này men đã ngấm, Kiên ngả nghiêng giật chiếc micro để hát. Tức giận, Chung vung tay đánh Kiên. Thấy vậy, bốn anh em của Chung ngồi phía dưới vội chạy lên bênh vực. Cùng lúc, hai người bạn của Kiên là Trần Quốc Việt và Lê Quốc Trung cũng xông lên phụ họa. Cả nhóm xông vào ẩu đả. Những người đến dự đám cưới can ngăn nhưng không được. Gia chủ đành lên tiếng, yêu cầu tất cả mọi người không được gây sự trong đám cưới. Đến lúc này, cả nhóm mới chịu buông nhau ra và ai cũng bị một vài thương tích nhẹ. Sau đó, cả hai nhóm cùng về bàn ngồi nhậu tiếp.
Đến khoảng 22h30 cùng ngày, mọi người đã về hết, chỉ còn người thân cùng anh em Trường và nhóm của Kiên ngồi lại. Thấy hơi ngại, nhóm của Kiên cũng đứng dậy ra về. Khi đi ngang bàn của Trường, Kiên xông vào đòi đánh anh Phong. Do mâu thuẫn từ trước vẫn chưa được giải quyết, nay lại có người “mớm mồi” nên hai nhóm lại xông vào đánh nhau.
Trong lúc mâu thuẫn, Trường chạy vào bên trong nhà tìm dao nhưng không thấy. Lúc này, Trường phát hiện có một cây kéo nên chụp lấy và chạy ra đâm một nhát vào người Kiên nhưng bị hụt. Trường vội xoay kéo lại, đâm chí mạng vào ngực anh Trung khiến Trung ngã quỵ.
Thấy máu chảy dài trên người Trung, Trường vội vàng vứt kéo rồi bỏ chạy. Mọi người đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong. Riêng Trường, bỏ trốn suốt hai ngày thì bị bắt giữ và đưa về trụ sở cảnh sát điều tra thực hiện lấy lời khai.
Bị cáo Trường phải đền tội với hành vi đã gây ra
Hối hận muộn màng
Mới đây, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa sơ thẩm lưu động xét xử vụ án. Do đây là vụ án nghiêm trọng nên thu hút hàng trăm người dân đến dự khán. Sau phần xét hỏi nhân thân, chủ tọa bắt đầu bước vào phần thẩm vấn.
Chủ tọa: Bị cáo với anh Trung có quen biết, mâu thuẫn gì không?
Bị cáo Trường: Bị cáo và bị hại lần đầu tiên gặp mặt nên không có mâu thuẫn gì từ trước.
Chủ tọa: Tại đám cưới, có chuyện gì xảy ra?
Bị cáo Trường: Bị cáo cùng bốn anh em đến đám cưới ăn uống vui vẻ. Khi em bị cáo là Chung lên hát góp vui thì Kiên xông lên giật micro. Giữa Chung và Kiên mâu thuẫn nên bị cáo chạy lên bênh vực em trai.
Chủ tọa: Bị cáo là anh, tuổi đã lớn. Đáng nhẽ, khi em mình mâu thuẫn như vậy phải khuyên nhủ, giải quyết trong ôn hòa. Thế nhưng, bị cáo lại dùng vũ lực để giải quyết. Bị cáo thấy hành động của mình như vậy có đúng không?
Bị cáo Trường: Hành động của bị cáo là sai.
Chủ tọa: Tiệc cưới kết thúc, mọi người ra về hết, tại sao anh em bị cáo còn ở lại?
Bị cáo Trường: Bị cáo và gia chủ có bà con nên năm anh em bị cáo quyết định ở lại góp vui.
Chủ tọa: Vậy không phải năm anh em bị cáo ở lại chờ cơ hội để đánh nhóm người mâu thuẫn với mình sao?
Bị cáo Trường: Dạ không.
Chủ tọa: Khi nhóm Kiên ra về, ai là người khiêu khích trước?
Bị cáo Trường: Bị cáo cùng bốn anh em đang ngồi chơi thì bỗng dưng Kiên đi ngang, xông vào đánh em của bị cáo là Phong. Lúc này, mọi người uống đã nhiều nên bị cáo không nghĩ được gì nhiều và gây án.
Chủ tọa: Bị cáo không nên lấy rượu ra để che đậy hành vi của mình như vậy. Vả lại pháp luật không có tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi gây án có chất men.
Bị cáo Trường: Điều bị cáo nói là thật. Trước đó, bị cáo thấy em trai bị đánh chảy máu đầu thì giận lắm. Tuy nhiên, do đang ở trong đám cưới nên cũng phải bỏ qua. Không ngờ, sau đó, nhóm Kiên lại gây chuyện đánh nữa.
Chủ tọa: Cây kéo bị cáo lấy ở đâu? cáo Trường: Lúc đó, bị cáo hoảng loạn, định đi tìm dao nhưng không thấy. Thấy có cây kéo ở trên bàn nên lấy.
Chủ tọa: Bị cáo đâm bị hại bao nhiêu nhát?
Bị cáo Trường: Bị cáo đâm hai nhát. Một nhát vào người Kiên nhưng bị trật. Một nhát vào người Trung và gây án mạng.
Chủ tọa: Vậy cái chết của anh Trung là do bị cáo gây ra đúng không?
Bị cáo Trường: Dạ đúng. Nhưng, bị cáo không hề có ý định sát hại nạn nhân.
Chủ tọa: Bị cáo có biết dao là hung khí nguy hiểm, nếu dùng mũi dao đâm thì có thể gây chết người không?
Bị cáo Trường: Dạ có. Nhưng, bị cáo không cố ý giết người. Lúc đó, bị cáo chỉ định hù dọa thôi.
Chủ tọa: Bị cáo ý thức rất rõ hành vi của mình nên không thể nói là do rượu nên gây án, hoặc không có ý định giết người được.
Bị cáo Trường: Thưa chủ tọa nhưng điều đó là sự thật.
Chủ tọa: Thời gian qua, bị cáo nhận thấy hành vi của mình như thế nào?
Bị cáo Trường: Ngay từ khi xảy ra vụ án, lúc trốn, bị cáo luôn hy vọng anh Trung không có mệnh hệ gì. Tuy nhiên, lời nguyện của bị cáo không thành hiện thực. Lúc bị bắt, ngồi ở cơ quan điều tra, bị cáo rất hối hận về điều mình đã làm. Bị cáo hy vọng nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về để đến thắp cho anh Trung nén nhang tạ tội, đồng thời làm lại cuộc đời.
Gặp nhiều khó khăn khi điều tra vụ án
Đại tá Thiều Quang Hạnh, Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, công an tỉnh cho biết, vào đêm 20/10/2013, nhận được thông báo có một vụ án mạng xảy ra tại huyện Vị Thủy, nhiều đồng chí đã được điều đến khám nghiệm hiện trường. Công an tỉnh kết hợp công an huyện Vị Thủy chia làm ba tốp để nắm tình hình vụ án.Tuy nhiên, khi điều tra vụ án gặp khá nhiều trắc trở. Bởi, nơi xảy ra vụ án là một con đường sình lầy chừng 50m. Hôm xảy ra vụ án, trời mưa nên tất cả các dấu vết đã bị nước xóa hết. Tại hiện trường chỉ còn lưu lại một số vệt máu, dấu giày, dép cùng cây kéo của đối tượng ném lại. Không chỉ thế, vụ án xảy ra khi đêm khuya lại quá bất ngờ nên không một ai thấy được hung thủ gây án. Vì những điều này nên công tác phá án trở nên khá phức tạp.
Mặc dù vậy, cơ quan điều tra vẫn quyết tâm phải tìm ra được hung thủ để trấn an nhân dân. Từ những dấu vết còn lưu lại tại hiện trường cùng những lời khai của các nhân chứng, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, công an phát hiện nghi can lớn nhất của vụ án chính là Bùi Hữu Trường.
Xâu chuỗi mọi sự kiện, có chút manh mối, công an mời Trường đến cơ quan điều tra làm việc. Trường hết sức bình tĩnh, cố biện bạch và khẳng định mình vô can đối với cái chết của anh Trung. Tuy nhiên, gần một ngày đấu trí, điều tra viên liên tục đặt ra những câu hỏi liên quan trực tiếp đến vụ án cũng như nhắm vào “tim đen” của nghi can. Cuối cùng, Trường cũng cúi đầu thừa nhận mình chính là hung thủ.
Đại tá Hạnh khuyến cáo, nếu tổ chức đám cưới, gia chủ cần chú ý, không nên để khách mời uống cho đến say xỉn mà phải biết kiềm chế lượng bia, rượu. Bên cạnh đó, đối với khách mời không nên vì quá vui mà uống quá nhiều. Đồng thời, khi đến đám cưới, mọi người cũng nên vui chơi đúng mực, đừng chê bai, nói nặng nhẹ gây xích mích để rồi có nhiều chuyện không hay xảy ra. Bên cạnh đó, đại tá Hạnh cũng cho hay, tại địa phương, các vụ án nghiêm trọng xảy ra thường liên quan đến bia rượu..
Cần có mức án nghiêm để làm gương Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn từ trước nhưng chỉ vì một chút xích mích nhỏ trong tiệc cưới mà dùng dao đâm chết nạn nhân. Mặc dù bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn, hối hận, lần đầu phạm tội… nhưng với hành vi gây ra cần có mức án nghiêm để làm gương cho kẻ khác. Do đó, tòa quyết định tuyên Trường 14 năm tù giam về tội Giết người |