Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết gần đây, một số cơ quan truyền thông trong nước đưa tin về hiện tượng thương nhân nước ngoài thao túng thị trường, giá cả hồ tiêu Việt Nam.
Ảnh minh họa
Bộ Công Thương nhận thấy thông tin này xuất phát từ trang chủ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA). Bộ Công Thương đã đề nghị VPA cung cấp danh sách cụ thể các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi rủi ro trong giao dịch với thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, tại văn bản số 38/HTVN-CV ngày 10 tháng 8 năm 2017 gửi Bộ Công Thương, VPA cho biết "không có nguồn lực và cũng không thống kê được cụ thể danh sách doanh nghiệp bị ảnh hưởng và cũng không định rõ khái niệm bị ảnh hưởng là thế nào để thống kê, chưa kể trong quy luật mua bán, các doanh nghiệp không thể chia sẻ các thông tin về đối tác mà mình thường mua bán".
Cũng theo văn bản trên của VPA, thông tin vừa qua là thông tin trên website "nội bộ" của VPA, mang tính "cảnh báo, chia sẻ giữa các hội viên VPA với nhau", qua đó cùng hỗ trợ nhau giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh. VPA cám ơn sự quan tâm của các cơ quan Nhà nước nhưng mong muốn sự việc này "nên dừng lại" và "khi nào sự việc nghiêm trọng hơn, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy cần thiết, chúng tôi sẽ gửi công văn chính thức đề nghị Nhà nước can thiệp, hỗ trợ".
Bộ Công Thương cho biết theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh trọng điểm trồng hồ tiêu trong nước, hiện chưa phát hiện tình trạng thương nhân nước ngoài thao túng giá hồ tiêu như thông tin phản ánh trên một số báo.
Tổng hợp các báo cáo của VPA và Sở Công Thương, Bộ Công Thương nhận thấy chưa đủ cơ sở để kết luận thương nhân nước ngoài đang thao túng thị trường hồ tiêu Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát để bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, đúng pháp luật cho mặt hàng hồ tiêu nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung.
Theo số liệu của VPA, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 125.490 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 112.126 tấn tiêu đen và 13.364 tấn tiêu trắng. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 711,25 triệu USD, trong đó giá trị tiêu đen đạt 604,16 triệu USD, tiêu trắng đạt 107,09 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2016, lượng xuất khẩu tăng 16.96% tương đương 18.197 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại giảm 17,88%. Giá xuất khẩu trung bình tiêu đen đạt 5.388 USD/tấn, tiêu trắng đạt 8.013 USD/tấn, mức giá xuất khẩu tiêu đen bằng 70,34% và tiêu trắng bằng 70,62% so cùng kỳ năm ngoái.