Ở Việt Nam, Thương mại điện tử (TMĐT) đang là một lĩnh vực hấp dẫn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và đông đảo người dân. TMĐT không chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… mà đã mở rộng phạm vi trên cả nước.
Tiềm năng lớn của Thương mại điện tử
Ngày 12/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 1073/QĐ-TTg. Sau 5 năm triển khai Quyết định 1073, TMĐT đã chuyển từ giai đoạn hình thành, tạo lập hạ tầng sang giai đoạn phát triển mạnh, từng bước định hình hạ tầng vững chãi và đạt được nhiều dấu mốc quan trọng.
Các chuyên gia nhận định Thương mại điện tử trong thời gian tới của Việt Nam sẽ tăng nhanh
Cùng với sự phát triển của TMĐT, thói quen của người tiêu dùng cũng đã thay đổi. Người dân đã bắt đầu hình thành thói quen mua sắm chỉ bằng một cú click chuột. Kết quả của các báo cáo phân tích từ Google và We are Social đang chỉ ra một thông tin khá thú vị, đó là dù tốc độ truy cập internet của người Việt Nam còn ở mức thấp so với thế giới song tỷ lệ thuê bao di động và tài khoản mạng xã hội trên số dân lại ở mức lý tưởng cho TMĐT. Theo đó cả nước hiện có gần 40 triệu thuê bao internet hoạt động, tổng số tài khoản mạng xã hội là 28 triệu, tổng số thuê bao di động là trên 128 triệu, tổng số tài khoản mạng xã hội trên mobile là 24 triệu. Trong số các thuê bao di động, cứ 10 người thì có 8 người Việt Nam vẫn online hay xem tivi và 90% thiết bị để online lúc này là qua điện thoại thông minh, trung bình có 1,4 thiết bị di động kết nối internet trên mỗi người dân.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trên thế giới, các nước đang đứng trước một kỷ nguyên phát triển công nghệ mạnh mẽ, trong đó có TMĐT. Tại Việt Nam, TMĐT đang là một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và người dân. Nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng đã hình thành và được doanh nghiệp vận hành, triển khai kèm theo dịch vụ thanh toán điện tử cũng đã và đang phát triển một cách nhanh chóng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của thương mại điện tử.
Những vướng mắc cần phải vượt qua
Tuy đánh giá TMĐT tại Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, nhưng thực tế còn khá nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp cần phải vượt qua như việc thanh toán điện tử còn chưa thực sự trở thành thói quen của người tiêu dùng; khâu kiểm soát chất lượng hàng hóa vẫn chưa thực sự khiến người mua hàng yên tâm.
Xét về hạ tầng thanh toán, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hiện có 38 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia phối hợp và 6 tổ chức không phải ngân hàng đã được phép thực hiện dịch vụ ví điện tử. Hệ thống chuyển mạch thẻ đã cho phép chủ thẻ của một ngân hàng có thể rút tiền hoặc thanh toán tại hầu hết ATM/POS của các ngân hàng khác. Tổng lượng thẻ thanh toán đang lưu hành đạt xấp xỉ 69 triệu thẻ, trong đó thẻ quốc tế là 6,25 triệu thẻ. Nhiều tính năng khác đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng. Đã có 67 NHTM triển khai dịch vụ thanh toán qua internet (internet banking) và 37 NHTM cung ứng các dịch vụ thanh toán qua di động (mobile banking). Các hệ thống thanh toán thẻ quốc tế như Visa, MasterCard đã sẵn sàng cho các giao dịch thanh toán quốc tế.
Dù hạ tầng thanh toán điện tử đã sẵn sàng nhưng trên thực tế tỷ lệ này vẫn thấp. Như dẫn chứng của ông Lê Đức Anh, chuyên viên Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), trong ngày mua sắm trực tuyến có hơn 800.000 đơn hàng với tổng giá trị 600 tỷ đồng nhưng thanh toán trực tuyến chỉ chiếm hơn 3%.
Nhiều website TMĐT vẫn dùng thanh toán tiền mặt
Nguyên nhân của việc thanh toán trực tuyến chiếm tỷ lệ thấp theo các chuyên gia là do chính các webiste TMĐT vẫn dùng thanh toán tiền mặt. Cụ thể, chỉ có 53% website có chức năng đặt hàng trực tuyến và 17% website chấp nhận thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, chính người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại các giải pháp bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin cho các giao dịch thanh toán điện tử. Kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho thấy phần lớn người mua sắm sau khi đặt hàng trực tuyến vẫn lựa chọn hình thức thanh toán là tiền mặt (74%), hình thức thanh toán qua ngân hàng (chiếm 41%), hình thức trung gian thanh toán qua các website thương mại điện tử (chiếm 8%).
Ngoài vướng mắc về thanh toán điện tử, vấn đề kiểm soát chất lượng hàng hóa cũng đang là rào cản trong việc phát triển TMĐT. Con số từ “Báo cáo TMĐT 2015” cho thấy trở ngại lớn nhất khi mua sắm trực tuyến chính là chất lượng kém so với quảng cáo (chiếm 73% trong số các nguyên nhân gây trở ngại).
Tại hội thảo "Dịch vụ thanh toán điện tử với phát triển thương mại điện tử: Xu thế và đổi mới", bà Lê Thị Hà, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (chiếm 64%), tiếp theo là công nghệ điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình… Tuy nhiên, mức độ hài lòng của người mua hàng trực tuyến chỉ ở con số 38%, mức độ bình thường chiếm 50% và mức độ rất hài lòng chỉ có 6%. Ngoài ra vấn đề hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng...cũng vẫn còn xuất hiện trên các trang TMĐT.
Việt Nam có 91,3 triệu dân,trong đó có 45% dân số dùng Internet. Trong số này có 62% dùng Internet mua sắm trực tuyến. Báo cáo doanh số TMĐT theo hình thức B2C (doanh nghiệp - khách hàng) năm 2015 đạt khoảng 4,07 tỷ USD - tăng 37% so với năm trước và chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Các chuyên gia nhìn nhận TMĐT trong thời gian tới của Việt Nam sẽ tăng nhanh với xu thế là phát triển TMĐT trên nền tảng ứng dụng di động. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ, tận dụng cơ hội này để có những chiến lược quảng bá, đầu tư xây dựng các ứng dụng bán hàng di động phục vụ khách hàng.