Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ: Cần đầu tư và nâng cao trình độ cho Thẩm phán

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố đảm bảo cho nền kinh tế mỗi quốc gia phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, Chính phủ Việt Nam đã sớm ban hành khung pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả các các vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần được giải quyết nếu muốn tạo ra môi trường cạnh tranh làn

Hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng

Muôn vẻ hình thức vi phạm

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết, hiện nay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) diễn ra ở hầu hết các loại sản phẩm, phổ biến như sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng, chỉ dẫn, xâm phạm sáng chế, giải pháp hữu ích... Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm soát, phát hiện và xử lý nhiều vụ xâm phạm QSHTT với giá trị hàng tỷ đồng, song các vụ vi phạm trong thời gian gần đây chưa có xu hướng giảm.

Số liệu của ngành hải quan năm 2010 cho thấy, toàn ngành đã bắt giữ 2.000 điện thoại di động NoKita làm nhái nhãn hiệu Nokia trị giá 36.000USD, gần 5.000 bao thuốc lá điếu giả nhãn hiệu Vinataba 555 trị giá 65 triệu đồng. Ngành hải quan còn thu giữ hàng chục nghìn chai rượu ngoại giả, mỹ phẩm các loại... trị giá nhiều tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành hải quan đã tiếp nhận gần 300 yêu cầu liên quan đến việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến QSHTT, với gần 270 đối tượng SHTT.

Ông Phạm Hồng Quất, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn chứng một số vụ vi phạm QSHTT tiêu biểu như vụ Coca-cola của Mỹ kiện một doanh nghiệp có sản phẩm gây nhầm lẫn là Cola hay Tổng Công ty Việt Tiến kiện một số cửa hàng quần áo treo biển hiệu Việt Tiến, hoặc một số vụ xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của Công ty xe máy Honda. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Lacoste, Vertu, Zippo đã được phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua.

Theo đánh giá của ông Jean-Jacques Bouflet, Trưởng Bộ phận Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, vi phạm QSHTT ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế qua việc làm giảm doanh thu công, giảm các hoạt động chuyển giao công nghệ từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế cạnh tranh và sáng tạo. Do đó, việc đấu tranh chống lại hoạt động làm giả, làm nhái là nhu cầu bức thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng ở mỗi quốc gia mà là vấn đề mang tính toàn cầu.

Nâng cao nhận thức về QSHTT

Nguyên nhân vi phạm QSHTT ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung, theo các chuyên gia, xuất phát từ lợi ích về kinh tế mà các doanh nghiệp làm hàng giả có thể đạt được bằng việc khai thác trái phép những sáng tạo của người khác. Hoạt động bất hợp pháp này thường được chấp nhận vì nhận thức sai lầm của phần lớn dân chúng cho rằng các vi phạm QSHTT “không nghiêm trọng lắm” so với các loại hình “ăn trộm khác”.


Vì thế, công cuộc đấu tranh với các vi phạm QSHTT là vô cùng khó khăn, cuộc đấu tranh này không chỉ cần quyền lực của pháp luật mà còn phải sử dụng nhiều giải pháp đồng bộ mới có hiệu quả. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, điều quan trọng trước tiên cần phải đổi mới tư duy nhận thức về đấu tranh chống hàng hóa vi phạm QSHTT. Song song đó là cần đánh giá đúng về thực trạng khắc phục kiểu suy nghĩ “hàng xịn đắt quá, có hàng nhái là đương nhiên”.
Giải pháp từ phía Nhà nước là cần cơ chế thỏa đáng về kinh phí cho hoạt động điều tra, bảo quản, tiêu hủy hàng hóa vi phạm QSHTT của các cơ quan chức năng; đồng thời phải đầu tư và nâng cao trình độ cho cán bộ ở các cơ quan chức năng, đặc biệt là các Thẩm phán, những người trực tiếp thụ lý, giải quyết các vụ vi phạm về SHTT.

Về phía doanh nghiệp, cần xác lập quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thực hiện quy chế ghi nhãn; quản lý tốt hệ thống bán hàng, thiết lập các kênh lưu thông hàng chính hiệu. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cung cấp cho các cơ quan này các mẫu hàng thật - hàng giả lưu thông trên thị trường; nâng cao kiến thức pháp luật về SHTT và quyền xử lý của các cơ quan nhà nước để khởi kiện hoặc tố cáo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. “Một hiện tượng mà các doanh nghiệp cần khắc phục hiện nay là sợ nói đến hàng hóa của đơn vị mình bị làm giả mà phải kiên quyết chống lại nạn hàng giả bảo vệ thương hiệu của mình” - ý kiến của ông Bạch Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh.

Ông Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng, song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần thúc đẩy hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của công chúng về việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng để thi hành có hiệu quả quy định về quyền sở hữu trí tuệ.

Quang Toàn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ: Cần đầu tư và nâng cao trình độ cho Thẩm phán