Việc người đứng đầu Chính phủ đích thân đi xuống tận chợ, vào quán ăn bình dân để kiểm tra vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là điều rất đáng mừng. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ…
Trong những ngày qua, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi thị sát Chợ đầu mối Long Biên hay vào quán phở bên đường tại TP.HCM dùng bữa là hình ảnh ấn tượng.
Bởi lẽ, một nguyên thủ quốc gia, nhân vật vốn dĩ phải xử lý những việc quốc gia đại sự trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, hỏi han những người nông dân, tiểu thương về công việc, về đời sống là chuyện hiếm.
Hình ảnh đó ngoài việc cho thấy sự gần gũi giữa lãnh đạo với nhân dân thì còn thể hiện quyết tâm hành động của một Chính phủ kiến tạo, minh bạch, trước hết là vì nhân dân, phục vụ nhân dân.
Ngoài ra, đối với không ít người dân thì hình ảnh Thủ tướng trực tiếp kiểm tra việc chấp hành quy định về ATVSTP đã tạo ra sự tin tưởng về lập lại trật tự trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm vốn bị buông lỏng trong suốt thời gian dài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đi kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Thực phẩm bẩn thực sự đang là cơn ác mộng đối với người tiêu dùng Việt Nam. Hàng trăm thứ độc hại, chất cấm đang tuồn vào chính bữa ăn hằng ngày của người dân. Biết nhưng đành nhắm mắt trông coi. Vì sao? Vì ăn cũng chết mà không ăn thì chết nhanh hơn. Tức là người ta đã không còn phương án lựa chọn nào khác.
Vấn nạn thực phẩm bẩn có thời điểm đã làm nóng ran cả nghị trường Quốc hội. Còn người dân thì hoang mang với chính bữa cơm trong gia đình.
Sáng bật tivi nghe cô MC nói ra rả về cà phê chế biến từ đậu nành, bắp và hóa chất. Trưa đọc mạng lại thấy tin người ta phù phép thịt lợn biến thành thịt bò. Tối lại nghe tin rau xanh được phun thuốc kích thích đến mức con sâu lờn thuốc béo mỡ màng hơn cả lá rau. Những thông tin khiến người tiêu dùng bị ám ảnh, nhìn vào đâu cũng thấy toàn hóa chất và căn bệnh ung thư.
Sau khi thống kê hàng loạt những vụ việc tương tự như trên, thì nhà quản lý khuyến cáo “bạn hãy là người tiêu dùng thông thái”. Thông thái sao nổi với những “màn ảo thuật” vi diệu như thế? Xưa nay, một số bộ, ngành lập ra để giúp người dân quản lý, kiểm tra thường chỉ biết cảnh báo và khuyến cáo.
Chúng ta hô hào chống thực phẩm bẩn, nhưng khái niệm thực phẩm bẩn là gì thì chính người tiêu dùng vẫn còn mơ hồ. Thậm chí ngay cả những cán bộ quản lý cũng không được đào tạo bài bản về vấn đề ATVSTP.
Thực tế cho thấy, dưới ma trận của truyền thông, nhiều thông tin bị nhiễu loạn khiến người dân ngày càng khó khăn hơn trong lựa chọn thực phẩm an toàn. Có khi chưa chết về thực phẩm bẩn thì đã chết vì sợ.
Thủ tướng đã đích thân “đi chợ”, trực tiếp ăn sáng ở quán bình dân, tận tay kiểm tra mớ rau, soi từng cái bát. Dẫu biết, hành động của Thủ tướng là để làm gương nhưng muốn kéo dài “con đường đến nghĩa địa” của người dân thì chỉ với hành động của người đứng đầu Chính phủ là chưa đủ.
Trăm công nghìn việc, một mình Thủ tướng không thể kiểm tra hết các bếp ăn của công nhân, không thể trực tiếp đến hết các chợ, không thể vào hết các quán ăn bình dân…
Điều quan trọng là phải xác định vai trò của các cấp, các bộ, ngành chuyên môn thuộc địa phương trong công tác quản lý. Trong khi thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường thì họ ở đâu, làm gì? Chúng ta có thay đổi được ý thức và hành động trong công tác quản lý ở các địa phương một cách hệ thống hay không?
Và quan trọng hơn hết là phải làm thay đổi được ý thức của chính những người sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Nếu họ vẫn coi trọng túi tiền hơn là sức khỏe của người tiêu dùng, của chính đồng loại thì cuộc chiến với thực phẩm bẩn sẽ còn rất gian nan.
Muốn thay đổi được ý thức thì chỉ tuyên truyền thôi cũng vô ích mà cần phải có chế tài xử lý hình sự nghiêm khắc, mang tính chất răn đe với những hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm trái quy định của pháp luật, gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Chỉ khi chúng ta “làm sạch” được ý thức thì mới chấm dứt được thực phẩm bẩn, người tiêu dùng mới hết bị đầu độc.