Thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện, có hiệu quả mối quan hệ giữa Tòa án ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lên tầm cao mới

25/12/2014 20:51
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

LTS: Ngày 25/12/2014, tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ ba đã được khai mạc.

Tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng “Đánh giá việc phối hợp thực hiện Thông cáo chung của hội nghị tại Việt Nam năm 2010 và Campuchia năm 2012”. Báo Công lý xin đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trương Hòa Bình tại phiên khai mạc.

Thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện, có hiệu quả mối quan hệ giữa Tòa án ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lên tầm cao mới

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình trình bày Báo cáo đánh giá việc phối hợp thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị tại Việt Nam năm 2010 và Campuchia năm 2012 tại Hội nghị

Kính thưa ông Khăm Phăn Xít Thị Đăm Pha, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào,

Kính thưa ông Dith Munty, Chánh án Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia,

Thưa các quý vị đại biểu và các bạn đồng nghiệp,

Mối quan hệ truyền thống, hữu nghị của ba nước trên bán đảo Đông Dương nói chung và Việt Nam - Lào,  Việt Nam - Campuchia nói riêng đã hình thành và phát triển lâu đời và không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt. Đảng, Nhà nước và nhân dân chúng ta luôn gìn giữ và không ngừng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác. Trong bối cảnh chung đó, Tòa án ba nước đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa lớn về hợp tác đa phương, đó là Tòa án ba nước chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia (sau đây xin gọi tắt là Hội nghị) lần thứ nhất tại Việt Nam năm 2010, lần thứ hai tại Campuchia vào năm 2012. Mỗi lần tổ chức Hội nghị, Tòa án tối cao ba nước chúng ta đã ra Thông cáo chung của Hội nghị. Thông cáo chung không chỉ phản ánh những nội dung trao đổi tại Hội nghị mà điều quan trọng hơn là đề ra những nội dung ưu tiên quan trọng cho sự hợp tác của Tòa án ba nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ theo định hướng chiến lược phù hợp với tình hình của lịch sử.

Kính thưa các quý vị,

4 năm đã qua kể từ khi Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2010 và Hội nghị lần này là cơ hội để Tòa án ba nước đánh giá những kết quả đạt được để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đề ra những định hướng hợp tác chiến lược phù hợp với tình hình mới. Mỗi lần tổ chức Hội nghị chúng ta đều thảo luận những nội dung quan trọng phù hợp với trọng trách của Tòa án mỗi nước. Tại Hội nghị này, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam xin được đánh giá tổng quan về việc thực hiện các cam kết theo tinh thần chung của các Thông cáo chung của Hội nghị, trong đó tập trung đánh giá về ba nội dung chính là (i) công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, buôn bán người qua biên giới; (ii) công tác trao đổi các đoàn công tác ở cấp Trung ương và địa phương và (iii) cơ chế phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động  và ký kết văn bản pháp luật giữa Tòa án ba nước. Thông qua việc đánh giá này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các cam kết và thảo luận những định hướng hợp tác đa phương và song phương của Tòa án ba nước trong thời gian tới.

I. Đánh giá việc phối hợp thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị tại Việt Nam năm 2010 và Campuchia năm 2012

1. Những kết quả đạt được

a. Công tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới

Trong những năm gần đây, tội phạm về ma tuý, buôn bán người qua biên giới trở thành những loại tội phạm xuyên quốc gia phổ biến nhất và hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người phạm tội ở những quốc gia khác nhau sử dụng công nghệ cao. Nếu không có sự hợp tác giữa các nước thì khó có thể kiểm soát và phòng chống tốt đối với loại tội phạm này.

Nhận thức rõ điều này, Thông cáo chung của Hội nghị năm 2010 đã nêu rõ sự cần thiết tiếp tục tăng cường hợp tác trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới của Tòa án ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào. Nội dung này cũng đã được nhấn mạnh trong Thông cáo chung của Hội nghị tại Xiêm Riệp, Campuchia vào tháng 10/2012. Trên thực tế, công tác phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của Tòa án ba nước ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tòa án các nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc trao đổi thông tin, phối hợp triển khai có hiệu quả các kế hoạch đấu tranh với âm mưu, hoạt động của bọn tội phạm và đưa ra xét xử kịp thời, hiệu quả các vụ án.

 Theo báo cáo của Tòa án nhân dân các tỉnh có chung đường biên giới của Việt Nam với Tòa án nhân dân cấp tỉnh của Lào và Tòa án Campuchia về công tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới nói chung và buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép, chất ma túy, buôn bán người dọc tuyến biên giới nói riêng được tăng cường phối hợp thực hiện và đạt kết quả cao. Thời gian giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài liên quan đến ba nước cũng được rút ngắn và đạt hiệu quả cao hơn. Những kết quả này chỉ có thể đạt được khi có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan ba nước, trong đó có vai trò không nhỏ của Tòa án ba nước, đặc biệt là Tòa án các tỉnh biên giới.

b. Trao đổi các đoàn công tác ở cấp Trung ương và địa phương

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong các Thông cáo chung của Hội nghị đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi các đoàn công tác ở cấp Trung ương và địa phương của Tòa án ba nước nhằm chia sẻ thông tin về hệ thống pháp luật và kinh nghiệm xét xử của mỗi nước.

Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam vui mừng nhận thấy rằng, kể từ năm 2010 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác sang thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao Lào và Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia. Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam cũng đã được đón nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia và Tòa án nhân dân tối cao Lào sang chia sẻ kinh nghiệm xét xử với Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam. Những chuyến thăm và trao đổi đoàn này đã giúp cho Tòa án ba nước chúng ta tham khảo được nhiều kinh nghiệm quý báu, giúp cho Tòa án ba nước chúng ta từng bước phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội và của mỗi người dân đối với cơ quan công lý.

Một trong những cột mốc quan trọng cho việc tăng cường mối quan hệ hợp tác của Tòa án ba nước là nhiều Tòa án cấp tỉnh đã tích cực chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động hợp tác hiệu quả thông qua các chuyến thăm và trao đổi thông tin với Tòa án các tỉnh nước bạn kể từ sau Hội nghị lần thứ nhất đến nay. Đó là các chuyến thăm của Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La, Việt Nam với Tòa án nhân dân tỉnh Hủa Phăn, Lào; Tòa án nhân dân tỉnh An Giang, Việt Nam với Tòa án tỉnh Kan Dal và Tòa án tỉnh Ta Keo của Campuchia v.v… và rất nhiều Tòa án cấp tỉnh khác. Ngoài ra, nhiều Tòa án nhân dân cấp tỉnh khác tuy không có đường biên giới với Campuchia và Lào như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh… nhưng cũng đã có những hoạt động hợp tác với Tòa án cấp tỉnh của nước bạn.

Việc trao đổi các đoàn ở cấp cơ sở như vậy đã tạo điều kiện để các Tòa án cấp tỉnh có điều kiện chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn xét xử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống và xét xử tội phạm xuyên quốc gia. Ngoài ra, các chuyến thăm này cũng tạo cơ hội để các Tòa án tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục của các nước bạn nhằm phục vụ cho công tác xét xử và tuyên truyền, giáo dục nhân dân vùng biên giới tuân thủ pháp luật.

c. Cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động và ký kết các văn bản pháp luật giữa Tòa án ba nước

Một trong những nội dung quan trọng được các Thông cáo chung của Hội nghị tại Campuchia năm 2012 nhấn mạnh là trong thời gian vừa qua, một số văn bản pháp luật đã được ba nước cũng như Tòa án ba nước cùng nhau ký kết để áp dụng nhằm ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới. Đây cũng là một nội dung quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước nói chung và Tòa án nói riêng đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ. Một trong những minh chứng cho sự phối hợp này là trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia đã ký Hiệp định về hợp tác song phương trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán. Nhằm triển khai Hiệp định này, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia về hợp tác song phương trong phòng chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán trong hệ thống Tòa án nhân dân. Chúng tôi cho rằng, nếu thực hiện tốt các nội dung được nêu rõ tại Kế hoạch này thì hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam không chỉ góp phần thực hiện các nội dung đã được nêu rõ trong Thông cáo chung của Hội nghị mà điều quan trọng hơn là góp phần vào việc ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới. Đối với Tòa án nhân dân Việt Nam và Tòa án nhân dân Lào, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả theo tinh thần của Hiệp định tương trợ tư pháp mà hai nước đã ký. Ngoài ra, Tòa án các tỉnh biên giới của hai nước và một số Tòa án tỉnh khác đã phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nước bạn để xét xử kịp thời các vụ án.

Như vậy, xét về tổng quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật mỗi nước và pháp luật quốc tế, Tòa án ba nước chúng ta đã có những hình thức hợp tác phù hợp với tình hình mỗi nước và đang ngày càng đi vào thực chất hơn. Mặc dù vậy, do tình hình tội phạm xuyên biên giới diễn biến ngày càng phức tạp nên đòi hỏi ba nước chúng ta phải không ngừng nâng cao các cách thức, biện pháp phòng chống loại tội phạm phù hợp với tình hình mỗi nước và bối cảnh quốc tế. Ngoài ra, Tòa án ba nước chúng ta cũng cần trao đổi để tìm ra những biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tương trợ tư pháp. Đây là những nội dung quan trọng mà Hội nghị ba nước chúng ta cần thảo luận sâu tại Hội nghị này. Đây cũng là một nội dung hết sức quan trọng và thiết thực giúp cho Tòa án ba nước nâng cao hiệu quả hợp tác.

2. Thuận lợi, khó khăn và giải pháp khắc phục thực hiện Thông cáo chung của Hội nghị tại Việt Nam năm 2010 và Campuchia năm 2012

a. Thuận lợi

Trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung được đề ra trong Thông cáo chung của Hội nghị, Tòa án nhân dân Việt Nam gặp được nhiều thuận lợi, trong đó đáng chú ý một số thuận lợi sau:

Thứ nhất, mối quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam, Campuchia và Lào được xây dựng và phát triển trên cơ sở của mối quan hệ hợp tác truyền thống, hữu nghị lâu đời của ba dân tộc. Mối quan hệ hợp tác này ngày càng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước đặc biệt quan tâm và dày công vun đắp. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác với Tòa án nhân dân tối cao Lào và Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia, hệ thống các Tòa án nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tòa án nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, việc phối hợp thực hiện các nội dung theo tinh thần Thông cáo chung của Hội nghị sẽ đem lại những lợi ích thiết thực cho Tòa án nhân dân Việt Nam và Tòa án các nước bạn.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện các hoạt động được đề ra trong Thông cáo chung của Hội nghị, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án địa phương của Việt Nam luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Tòa án nhân dân Lào và Tòa án Vương quốc Campuchia. Lãnh đạo Tòa án tối cao ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào luôn xác định tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác, góp phần xây dựng và phát triển tình hữu nghị của ba dân tộc và không ngừng đưa mối quan hệ hợp tác của chúng ta ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu.

Thứ ba, với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là quan hệ ngày càng phát triển trong nội bộ các quốc gia ASEAN, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Campuchia và Lào cũng nằm trong xu thế đó. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Tòa án ba nước là xu thế tất yếu của lịch sử, đặc biệt là sự hợp tác giữa các Tòa án có chung đường biên giới.

b.  Khó khăn

Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng trong quá trình triển khai thực hiện các Thông cáo chung của Hội nghị, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam nhận thấy vẫn còn gặp một số khó khăn mà Tòa án nhân dân Việt Nam cũng như Tòa án các nước bạn cần khắc phục trong thời gian tới như sau:

Một là, hệ thống pháp luật nói chung và các quy định pháp luật về ủy thác tư pháp còn bất cập, hiệu quả thực thi chưa cao nên đã gây ra những khó khăn nhất định cho Tòa án ba nước trong quá trình giải quyết các loại vụ án cần phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp.

Hai là, một trong những khó khăn hiện nay trong quá trình giao lưu, hợp tác với các nước bạn là rào cản về ngôn ngữ. Số lượng Thẩm phán và cán bộ Tòa án ba nước chúng ta nói được ngôn ngữ của nhau vẫn còn rất ít. Việc trưng cầu phiên dịch trong các phiên tòa xét xử công dân của ba nước phạm tội rất khó khăn, do đó đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng xét xử các vụ án.

Ba là, mặc dù mối quan hệ hợp tác của một số Tòa án các tỉnh biên giới ngày càng chặt chẽ nhưng nhìn chung Tòa án ba nước chưa thiết lập được cơ chế trao đổi thông tin mang tính chuyên nghiệp, đặc biệt là thông tin pháp lý có tính chất kịp thời, thường xuyên.

Kính thưa các quý vị,

Những khó khăn, bất cập trên đây sẽ từng bước được khắc phục trên cơ sở Tòa án ba nước chúng ta tăng cường công tác trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật để nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân ở các tỉnh biên giới để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật.

Sự đoàn kết và hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau có hiệu quả giữa các Tòa án ba nước chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp.

II. Một số định hướng và chiến lược hợp tác đa phương và song phương trong thời gian tới

Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, trước những thời cơ và thách thức đối với cả ba nước nói chung và Tòa án nói riêng, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phải tăng cường và củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đề ra định hướng hợp tác nhằm cùng nhau hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình. Chúng tôi cho rằng, Hội nghị lần này chúng ta sẽ thảo luận về những định hướng hợp tác của Tòa án ba nước, trong đó cần ưu tiên các hoạt động hợp tác sau đây:

Một là, Tòa án ba nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thống nhất những nội dung và cơ chế hợp tác đa phương, hoàn thiện và chú ý triển khai thực hiện tốt các quy định về hợp tác trong việc tống đạt và ủy thác tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống và xét xử các loại tội phạm xuyên quốc gia, góp phần giữ vững an ninh trật tự và ổn định trong khu vực. Đây là nội dung hết sức quan trọng đòi hỏi Tòa án ba nước chúng ta nỗ lực để góp vào việc phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này.

Hai là, Tòa án ba nước cần tiếp tục phối hợp các hoạt động hợp tác song phương. Đối với Tòa án nhân dân Việt Nam, các hoạt động hợp tác song phương dựa trên tinh thần của bản thỏa thuận hợp tác mà Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã ký với Tòa án tối cao Vương quốc Campuchia và Tòa án nhân dân tối cao Lào. Theo đó, ở cấp Tòa án tối cao, trong phạm vi khả năng của mình, hai bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác thông qua các hình thức trao đổi đoàn tham quan, khảo sát; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án của hai bên, đặc biệt là trang bị các kiến thức cơ bản về pháp luật hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại và một số lĩnh vực khác cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực. Ở cấp Tòa án địa phương, pháp huy những kết quả đạt được, Tòa án các tỉnh, đặc biệt Tòa án có chung đường biên giới sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong công tác xét xử, tăng cường hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm thông qua việc tổ chức các đoàn tham quan khảo sát; các cuộc tọa đàm giữa Thẩm phán và cán bộ Tòa án của hai bên. Chú ý trong công tác đào tạo cán bộ phiên dịch chuyên trách các ngôn ngữ Việt Nam, Lào, Campuchia. Về phía mình, trong phạm vi và các điều kiện cho phép, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam sẽ đóng góp hỗ trợ tích cực cho sự hợp tác phát triển của Tòa án ba nước chúng ta.

Ba là, để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên đây thì Tòa án ba nước cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin hiệu quả và kịp thời nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động hợp tác. Chú ý xây dựng và phát triển các Cổng thông tin điện tử của từng Tòa án quốc gia với Cổng thông tin điện tử các Tòa án trong khối ASEAN.

Kính thưa các quý vị,

Trên đây là một số đánh giá tổng quan của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam về việc phối hợp thực hiện thông cáo chung của Hội nghị tại Việt Nam năm 2010 và Campuchia năm 2012 và một số gợi ý về định hướng và chiến lược hợp tác đa phương và song phương trong thời gian tới. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, những kết quả đạt được thật đáng ghi nhận nhưng vẫn còn khiêm tốn so với mối quan hệ hợp tác của Chính phủ và nhân dân ba nước. Chúng tôi tin tưởng rằng Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam, Campuchia và Lào lần này sẽ tiếp tục đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác, phát triển một cách toàn diện, có hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa Tòa án ba nước lên một tầm cao mới.

Xin trân trọng cảm ơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hợp tác, phát triển toàn diện, có hiệu quả mối quan hệ giữa Tòa án ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lên tầm cao mới