Thúc đẩy các ưu tiên quyền năng của phụ nữ, trẻ em gái vào chương trình nghị sự quốc gia

Ngọc Mai| 19/04/2016 15:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ Trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh tại Diễn đàn “Hướng tới bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong 10 năm qua” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Ngày 19/4, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức diễn đàn “Hướng tới bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong 10 năm qua” nhằm kiểm điểm lại tiến trình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) của Liên hợp quốc, cũng như các nỗ lực và cam kết của Việt Nam trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới.

Thúc đẩy các ưu tiên quyền năng của phụ nữ, trẻ em gái vào chương trình nghị sự quốc gia

Tham dự diễn đàn Thứ Trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH); đại diện đến từ Văn phòng Quốc hội, các Bộ, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam, các đơn vị tài trợ song phương và đa phương cũng như các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, Việt Nam luôn cam kết và quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ công tác bình đẳng giới, đảm bảo quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Điều này được thể hiện qua những tiến bộ về cải cách luật pháp, chính sách cũng như việc áp dụng nguyên tắc và quy định của Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ vào quá trình xây dựng, thực thi các điều luật tại Việt Nam . Hơn 40 đạo luật liên quan được ban hành từ năm 2010 đến nay cùng với các chương trình, kế hoạch quốc gia... đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ công tác bình đẳng giới, nâng cao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Ông Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu to lớn trong công tác bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội và 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ giới. Hơn 50% cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương có nữ cán bộ chủ chốt. Lao động nữ duy trì ở mức cao, đạt trên 48%, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp chiếm gần 25%, tỷ lệ lao động nữ trong các lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật chiếm 53%...

Ông Nguyễn Trọng Đàm khẳng định, Bộ LĐTB&XH cam kết sẽ tiếp tục kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ tại Việt Nam; kiến nghị phê chuẩn các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia về bình đẳng giới, cũng như thúc đẩy hơn nữa việc đưa các ưu tiên về quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái vào chương trình nghị sự quốc gia.

Phát biểu tại sự kiện, Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women cho biết: “Việc Các mục tiêu phát triển bền vững được các quốc gia thành viên của LHQ thông qua vào tháng 9 năm ngoái đã đem lại một cơ hội mang tính lịch sử chưa từng có cho việc thúc đẩy bình đẳng giới. Là một mục tiêu rõ ràng không phụ thuộc, mục tiêu số 5, bình đẳng giới được lồng ghép trong suốt các mục tiêu phát triển bền vững khác. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự đồng thuận cao trên toàn thế giới của các nhà lãnh đạo về  bình đẳng giới, coi đó vừa là một điều kiện tiền đề và vừa là khả năng để đạt được phát triển bền vững”.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam, quốc gia thành viên của Công ước, thúc đẩy bình đẳng giới dựa trên các nguyên tắc của CEDAW, từ năm 2004, UN Women với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Canada đã triển khai “Chương trình khu vực về Nâng cao quyền con người của phụ nữ khu vực Đông Nam Á” (CEDAW SEAP). Chương trình đã hỗ trợ hơn 2000 đại biểu đến từ Chính Phủ, các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia về giới và các tổ chức xã hội dân sự nâng cao kiến thức và hiểu biết về giới và quyền của phụ nữ, bảo đảm rằng việc thực thi pháp luật và chính sách  có nhạy cảm giới; đồng thời chính phụ nữ cũng hiểu và có thể bảo vệ quyền của mình.

Bà Shoko Ishikawa cũng đánh giá cao việc Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn và tham gia Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, góp phần thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Việt Nam đạt được những tiến bộ lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống, xóa bỏ định kiến, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái. Việt Nam cũng nỗ lực đưa ra các cam kết, xây dựng và ban hành nhiều văn bản luật thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Ngoài ra, một số chương trình, kế hoạch khác như tăng thời gian nghỉ sinh, ưu đãi thuế cho các công ty sử dụng nhiều lao động nữ cũng là những thành tựu của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới những năm qua.

Thúc đẩy các ưu tiên quyền năng của phụ nữ, trẻ em gái vào chương trình nghị sự quốc gia

Trong suốt sự kiện, các đại biểu đã chia sẻ suy nghĩ và kinh nghiệm bản thân trong thách thức bất bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Một số xu hướng chính, khoảng cách giới trong nước như thái độ gia trưởng tồn tại dai dẳng, những khuôn mẫu giới  đã ăn sâu trong xã hội, sự thiếu thông tin và dữ liệu về tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ, và hiểu biết về các biện pháp đặc biệt tạm thời còn hạn chế cũng được nhấn mạnh trong sự kiện.

Bế mạc sự kiện, các đại biểu nhất trí rằng việc tăng cường tiếng nói của phụ nữ,  hợp tác trong hành động, vận động chính sách và đòi hỏi hành động  có trách nhiệm giới là hết sức cần thiết. Chính phủ và các bên liên quan cần tiếp tục cam kết để cùng hợp tác hành động để làm cho bình đẳng giới trở thành hiện thực. 

Ngày 18/12/1979, Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW) được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Công ước quốc tế này chính thức có hiệu lực từ ngày 3/9/1981, sau khi được 20 nước thông qua. Trong số các công ước nhân quyền quốc tế, Công ước này có một vị trí quan trọng trong việc hướng trọng tâm của vấn đề quyền con người vào nửa kia của nhân loại. CEDAW không chỉ là luật quốc tế về quyền phụ nữ, mà còn là một chương trình hành động cho các nước để bảo đảm việc thụ hưởng những quyền đó. Việt Nam là quốc gia thứ 6 trên thế giới tham gia Công ước CEDAW và đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết của mình trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy các ưu tiên quyền năng của phụ nữ, trẻ em gái vào chương trình nghị sự quốc gia