Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê

Hồng Nguyên| 27/06/2015 11:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong niềm tiếc thương vô hạn và được sự đồng ý của Tỉnh ủy và Uỷ ban nhân dân tỉnh TT-Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trọng thể Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.

Tham dự buổi lễ, có các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo tỉnh TT Huế qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên là lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế qua các thời kỳ cùng các đồng chí đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và thành phố Huế; lãnh đạo các đơn vị trong ngành Văn hóa; lãnh đạo các hội văn học – âm nhạc – nghệ thuật của tỉnh; đại diện lãnh đạo các trường – khoa học đào tạo về văn hóa, âm nhạc, nghệ thuật; các văn nghệ sĩ, tri thức.

Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê

Đồng chí Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế dâng hương Giáo sư Trần Văn Khê tại buổi lễ.

Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, đồng chí Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xúc động bày tỏ: Giáo sư Trần Văn Khê mất đi, đất nước mất một người con ưu tú; nhân dân Thừa Thiên Huế mất đi một người thầy, một người bạn có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa  tỉnh nhà; bạn bè mất đi người đồng nghiệp quý mến; gia đình mất đi một người ông, người chồng mẫu mực, sự ra đi của Giáo sư là tổn thất không gì bù đắp được. Xin gửi đến gia đình Giáo sư Trần Văn Khê lời chia buồn sâu sắc nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế và đặc biệt là từ những người đang công tác trong lĩnh vực văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật của tỉnh.

Mặc dù không có điều kiện trực tiếp đến thăm viếng đám tang, nhưng trong không khí trang nghiêm, linh thiêng, tại nơi Giáo sư đã từng gửi gắm một phần sự nghiệp và cống hiến một phần đời còn lại, với những tình cảm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh, bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân Thừa Thiên Huế, kính mong Giáo sư yên nghỉ.

Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê

Bàn thờ được thiết lập trang nghiêm trong Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê tại Duyệt Thị Đường

Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê

Đông đảo người dân dâng hương Giáo sư Trần Văn Khê tại buổi lễ Tưởng niệm và đóng góp quỹ học bổng theo di nguyện của Giáo sư tại buổi lễ

Giáo sư Trần Văn Khê là người ngay từ đầu đã tích cực vận động UNESCO nhìn nhận Nhã nhạc Cung đình Huế. Sau đó, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cho Trung tâm BTDT Cố đô Huế chủ trì lập Hồ sơ Ứng cử Quốc gia Nhã nhạc – Nhạc Cung đình Việt Nam đệ trình UNESCO đề nghị công nhận là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi Vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại (trong giai đoạn 2001 - 2002). Ngày 7  tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc – Nhạc Cung đình Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Kiệt tác Di sản Văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của Nhân loại (từ năm 2008 được UNESCO hợp nhất thành danh).

Với những đóng góp xuất sắc cho đất nước, Giáo sư Trần Văn Khê đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999), Huy chương Vì Văn hoá Dân tộc của Bộ Văn hoá Việt Nam (năm 1998), danh hiệu “Vinh danh nước Việt”. Giáo sư cũng được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn (năm 2005),  Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (năm 2011). Giáo sư cũng đã được nhận Bằng khen và Huy hiệu Người tốt Việc tốt của Tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng vào các năm 2004 và 2006

Giáo sư Trần Văn Khê từng được Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học năm 1960 và 1970, tiến sĩ danh dự về  âm nhạc Đại học Ottawa (Canada, 1975), Giải thưởng lớn về  âm Nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế âm nhạc (1981), Huân chương Nghệ thuật và Văn chương do Bộ Văn hóa Pháp tặng (1991), Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật Bản, năm 1995).

Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê

Đội nhạc tấu “ Luân Cửu chuyển” tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê

Là người có tình cảm sâu sắc với quê hương và mong muốn đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu quảng bá âm nhạc truyền thống nước nhà, ông đã dành cả cuộc đời mình để thắp lên ngọn lửa yêu thương âm nhạc dân tộc đến với nhiều thế hệ và là người góp công lớn trong việc nghiên cứu, giảng dạy, truyền bá, để bảo tồn và phát huy giá trị của Nhã nhạc. Vì vậy trong Di nguyện của mình, Giáo sư có mong muốn lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê lấy từ tiền phúng điếu đám tang của ông để hàng năm phát cho người có công trình nghiên cứu hoặc cống hiến xuất sắc cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức kêu gọi toàn thể quý vị đến dự đã đóng góp cho quỹ học bổng góp phần thực hiện di nguyện của Giáo sư. Đây thực sự là một ý nguyện đầy tính nhân văn, thể hiện tấm lòng luôn quan tâm cho đến hơi thở cuối cùng về sự nghiệp bảo tồn, phục hưng âm nhạc truyền thống của Giáo sư Trần Văn Khê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tổ chức Lễ tưởng niệm Giáo sư Trần Văn Khê