Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu trên tại buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Đà Nẵng
Ngày 24/2, sau khi đi thăm, thị sát một số cơ sở của Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác đã có cuộc làm việc với lãnh đạo nhà trường. Tham gia đoàn công tác có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam.
Đây là trường đại học thứ 3 mà Thủ tướng đến làm việc kể từ khi nhậm chức, sau các cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Hướng đến tốp 50 đại học nghiên cứu của Đông Nam Á
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, từ cuộc làm việc này cùng với các cuộc làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sẽ hình thành chủ trương, biện pháp cho đại học ở Việt Nam với tinh thần đổi mới, cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng đại học.
Thủ tướng đánh giá, Đại học Đà Nẵng qua 20 năm đã phát triển nhanh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đại học Đà Nẵng đã đi đúng hướng, là 1 trong 3 trung tâm đại học cả nước, 1 trong 15 đại học trọng điểm của quốc gia và đang hướng tới là đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.
Tuy nhiên, Đại học Đà Nẵng chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí đầu tầu của khu vực miền Trung, chưa có sự ảnh hưởng, lan tỏa rõ nét trong hệ thống, đổi mới đã có nhưng chủ động sáng tạo trong quản lý, hoạt động chuyên môn chưa cao. Cơ sở vật chất còn rải rác, manh mún. Chưa hình thành được một làng đại học hay một đô thị đại học để xứng tầm một trung tâm nghiên cứu ứng dụng đối với khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, một quốc gia, một địa phương, một đại học không vượt qua những thách thức thì sẽ thụt lùi, lạc hậu.
“Tôi có đọc website của các đồng chí về sứ mệnh và tầm nhìn của các đồng chí. Tôi cũng hoan nghênh cách đặt vấn đề của các đồng chí. Sứ mệnh các đồng chí nêu ra là mang đến cơ hội và môi trường học tập, sáng tạo lý tưởng, góp phần tạo ra động lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước”, Thủ tướng nói.
Cho rằng “sứ mệnh này rất tốt nhưng còn quá chung”, Thủ tướng đề nghị Đại học Đà Nẵng cần thể hiện sứ mệnh bao trùm cả 3 cấp độ, một là tầm địa phương, khu vực miền Trung và Tây Nguyên, hai là tầm quốc gia và ba là tầm khu vực, nhất là khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
“Một trường đại học đi đầu đổi mới sáng tạo mà chỉ có ở trong khu vực mình, khu vực miền Trung – Tây Nguyên hay sao?”, Thủ tướng đặt vấn đề và gợi ý tầm nhìn với Đại học Đà Nẵng là phấn đấu trở thành môi trường giáo dục tiên tiến, hướng đến đẳng cấp thuộc tốp 50 đại học nghiên cứu của Đông Nam Á vào năm 2035 dựa trên khả năng quy tụ những con người xuất sắc và sự kết hợp hài hòa giữa giáo dục tri thức cơ bản với nghiên cứu ứng dụng thực tế, có tầm ảnh hưởng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là khu vực miền Trung Tây Nguyên.
Vì vậy, Thủ tướng đánh giá cao giá trị cốt lõi nêu trên website của Đại học Đà Nẵng với 4 nội dung là chất lượng, phục vụ cộng đồng, chuyên nghiệp và hiệu quả, sáng tạo và thân thiện.
Chính phủ sẵn sàng đặt đề tài
Cho rằng bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học thì cần coi trọng ứng dụng thực hành, Thủ tướng đề nghị Đại học Đà Nẵng xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hành động cụ thể nhằm đạt các mục tiêu và tầm nhìn sớm là đi đầu trong đổi mới sáng tạo.
Nhận định giáo dục đào tạo của Việt Nam đã có nhiều đổi mới với hướng tự chủ đại học, Thủ tướng mong muốn Đại học Đà Nẵng nên xung phong đi đầu trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị hiện đại với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo phân cấp mạnh, thực hiện tự chủ thực sự cho các trường.
Đại học Đà Nẵng cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng, phấn đấu có ít nhất 80% sinh viên tốt nghiệp ra trường trong vòng 6 tháng có việc làm hay tự tạo việc làm. Tiếp tục hoàn thiện quy trình đào tạo, đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đào tạo gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đổi mới tư duy dạy và học, quan tâm cả trí thức khoa học và phương pháp tự nghiên cứu, các kỹ năng mềm để phát huy tính năng động, sáng tạo.
Thủ tướng mong muốn Đại học Đà Nẵng trực tiếp đóng góp vào hệ sinh thái quốc gia khởi nghiệp. Do đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Có trách nhiệm hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo cho các trường Đại học trong vùng.
Đại học Đà Nẵng phải là một trong 3 trung tâm nghiên cứu với nhiều công trình khoa học lớn trong phạm vi cả nước. “Các thầy, cô giáo, sinh viên có năng lực phải hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, đủ năng lực tham gia giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước”, Thủ tướng nói và biết, “các đồng chí làm được, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng đặt đề tài cho các đồng chí để nghiên cứu”.
Đại học Đà Nẵng cần phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp đôi số lượng các công bố quốc tế so với hiện nay. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh thu hút các giảng viên, nhà khoa học nước ngoài có uy tín về làm việc.
Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, Thủ tướng cho biết, khó khăn của Đại học Đà Nẵng thì các bộ, ngành đã thấy và cần có trách nhiệm đề xuất, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết các vấn đề đặt ra với trường, kể cả việc cho cơ chế, triển khai thí điểm mô hình thu hút người Việt Nam ở nước ngoài vào làm việc.
Sớm chấm dứt “quy hoạch treo”
Về việc chậm trễ trong triển khai quy hoạch chung Đại học Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997, Thủ tướng yêu cầu sớm chấm dứt “quy hoạch treo” 20 năm. Thủ tướng đồng ý sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn đối với Đại học Đà Nẵng, trước hết tập trung phương án đền bù giải phóng mặt bằng để sớm hình thành hình hài đô thị Đại học Đà Nẵng.
Về cơ chế xây dựng đô thị Đại học Đà Nẵng, Thủ tướng cho rằng, việc thứ nhất là phải giữ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Thứ hai là nêu cao trách nhiệm các địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng trong phát triển Đại học Đà Nẵng, trước hết là về giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đặc biệt, địa phương phải giữ nguyên trạng, tránh tình trạng “chưa mở rộng đã lấn chiếm”. Lãnh đạo Đà Nẵng, Quảng Nam cần sớm tổ chức chỉ đạo thực hiện việc này sau cuộc làm việc, như có thể ứng trước một khoản cần thiết từ ngân sách địa phương.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã giải quyết một số kiến nghị của Đại học Đà Nẵng về tổ chức, sắp xếp lại một số trường đại học; nâng cấp Viện nghiên cứu đào tạo Việt-Anh thành Đại học quốc tế; về cơ chế tiếp cận một số nguồn vốn đầu tư… Thủ tướng cũng đã trao 101 suất học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi của Đại học Đà Nẵng.