Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 phải nâng số lượng doanh nghiệp tại Gia Lai lên gấp đôi hiện nay

Trần Sỹ-Nhật Khánh| 18/12/2016 15:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 18/12, tại Pleiku, Gia Lai đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Gia Lai với chủ đề “Gia Lai-Tiềm năng-Hợp tác-Phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước về dự. UBND tỉnh Gia Lai cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng số vốn lên đến trên 5.500 tỉ đồng, đồng thời các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ với 12 dự án khác nhau dưới sự chứng kiến của Thủ tướng và các bộ ban ngành liên quan với tổng số vốn đầu tư trên 15.000 tỉ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 phải nâng số lượng doanh nghiệp tại Gia Lai lên gấp đôi hiện nay

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiềm năng phát triển của tỉnh Gia Lai, cũng như xem đây là địa phương trọng điểm để phát triển kinh tế của 3 nước vùng “Tam giác vàng” là Việt Nam, Lào và Campuchia. Thủ tướng cũng cho biết, nhân dịp sắp tới Thủ tướng Campuchia HunSen qua thăm Việt Nam, Thủ tướng sẽ trao đổi để sự gắn kết cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong khu vực hợp tác có điều kiện tốt nhất để phát triển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng kêu gọi các nhà đầu tư phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đầu tư nhiều hơn nữa để tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung nhằm đưa đời sống của nhân dân phát triển nhanh và bền vững. Mặt khác, Gia Lai hiện nay nguồn thu chủ yếu là cây cao su, hồ tiêu và cà phê… nhưng cà phê Gia Lai vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên Thủ tướng yêu cầu địa phương cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cà phê.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 phải nâng số lượng doanh nghiệp tại Gia Lai lên gấp đôi hiện nay

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chỉ có 35.000 doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu Lãnh đạo địa phương cần phải xây dựng chính quyền đối thoại, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Đồng thời chính quyền địa phương cần phải: Lo, làm, chia sẻ với doanh nghiệp khi thuận lợi cũng như khi doanh nghiệp gặp khó khăn… Để làm được những điều đó, địa phương cần phải có quy hoạch phát triển bền vững, cây trồng, khu du lịch… cần có hướng chiến lược mới. Đến 2020, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải cố gắng tạo môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp để tăng gấp đôi các doanh nghiệp hiện có lên 70.000 doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu cần phải rủ nhau cùng làm “buôn có bạn, bán có phường”, nhằm tạo điều kiện giúp nhau phát triển cũng như nâng tầm phát triển lên một tầng cao mới. Song song với phát triển kinh tế, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến vấn đề môi trường, tránh tình trạng doanh nghiệp mang tiếng để đời như Formosa ở Hà tĩnh trong thời gian vừa qua.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Gia Lai trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án gồm:

Dự án Nhà máy điện sinh khối An Khê do Công ty CP đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với quy mô 95MW, tổng vốn đầu tư 1,9 ngàn tỷ đồng; Hoàng Nhi Plaza-Công ty CP vật liệu xây lắp Gia Lai 136 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nước sạch công suất 9.500 m3/ngày đêm tại thị xã An Khê do Công ty CP nước Sài Gòn - An Khê làm chủ đầu tư, tổng vốn 160 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nước sạch công suất 9.000 m3/ngày đêm tại huyện Chư Sê, Công ty CP cấp nước Chư Sê làm chủ đầu tư, tổng vốn 125 tỷ đồng; Dự án khu thực nghiệm nuôi bò thịt, Công ty CP bò sữa Tây Nguyên làm chủ đầu tư, tổng vốn 112 tỷ đồng;

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 phải nâng số lượng doanh nghiệp tại Gia Lai lên gấp đôi hiện nay

Thủ tướng và các bộ ban ngành, chứng kiến các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ

Dự án Tổ hợp siêu thị vật liệu nội thất và khu dân cư mới, Tập đoàn Bosscolàm chủ đầu tư, tổng vốn 107 tỷ đồng; Dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Công ty CP ĐTPT Thái Sơn BQP làm chủ đầu tư, tổng vốn 359 tỷ đồng; Dự án Cụm Công nghiệp Sinh học, Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh làm chủ đầu tư, tổng vốn 500 tỷ đồng; Dự án nâng công suất Nhà máy Đường An Khê, Công ty CP Đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, tổng vốn 1.653 tỷ đồng.

Đồng thời UBND tỉnh Gia Lai tiến hành công bố 53 dự án thuộc “Danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2018”, trong đó bao gồm các lĩnh vực: Công nghiệp, năng lượng, xây dựng (16 dự án); Công nghiệp chế biến nông lâm sản (8 dự án); Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng - hàng tiêu dùng, công nghiệp năng lượng (3 dự án); Nông - lâm nghiệp (công nghệ cao - 7 dự án); giáo dục, văn hoá, thể thao - du lịch (7 dự án);  Các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP- 4 dự án). Tổng số vốn kêu gọi đầu tư khoảng trên dưới 25.000 tỷ đồng.

Đồng hành với các doanh nghiệp đầu tư phát triển vào Gia Lai, các ngân hàng cũng đã tiến hành ký kết các thỏa thuận hỗ trợ tín dụng đối với các nhà đầu tư.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm 2020 phải nâng số lượng doanh nghiệp tại Gia Lai lên gấp đôi hiện nay