Thủ tướng Đức Angela Merkel có hai tuần để thống nhất chính sách nhập cư với các lãnh đạo châu Âu, nếu không nội bộ chính phủ Đức sẽ phản ứng và khả năng lớn bà sẽ phải ra đi sau 13 năm cầm quyền.
Theo hãng tin DPA (Đức) này 19/6 đưa tin, vào tuần trước, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer thuộc đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), đảng anh em của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đã đề xuất một “Kế hoạch nhập cư bậc thầy” chủ trương cứng rắn, từ chối cho người xin tị nạn vào biên giới Đức.
Theo kế hoạch của ông Seehofer, người nhập cư đến biên giới Đức sẽ không được vào Đức tị nạn nếu không có giấy tờ nhận dạng, từng bị Đức từ chối trao quyền tị nạn, đã từng đăng ký tị nạn ở một nước EU khác. CSU cũng muốn trả người nhập cư về lại nước châu Âu mà họ đặt chân đến và đăng ký vào đầu tiên. Tuy nhiên, bà Merkel đã từ chối thông qua kế hoạch trên.
Kế hoạch này cũng bị các nhóm nhân quyền chỉ trích đi ngược lại tinh thần các thỏa thuận châu Âu và quốc tế. Nhưng ông Seehofer và CSU cho biết có thể sẽ đơn phương thực hiện chính sách này, bất chấp quy định của bà Merkel và châu Âu, nếu sau hai tuần bà Merkel không thuyết phục được các nước châu Âu chia sẻ gánh nặng tị nạn với Đức.
Đáp lại yêu cầu trên, bà Merkel cho biết, đảng CDU của bà có cùng mục tiêu với đảng CSU của ông Seehofer là kiểm soát nhập cư tốt hơn, nhưng vấn đề nhập cư mình Đức không thể giải quyết được mà phải ở tầm châu Âu.
Bà Merkel nhấn mạnh, trong hai tuần tới bà sẽ tìm kiếm các thỏa thuận song phương với các lãnh đạo châu Âu cho phép Đức từ chối nhận người nhập cư vào biên giới mình xin tị nạn, trước kỳ thượng đỉnh EU cuối tháng này. Nhiều thành viên CSU bi quan khả năng đàm phán với EU của bà Merkel, đặc biệt sau nhiều năm bà Merkel toàn phải nhượng bộ về chuyện này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có hai tuần để thống nhất chính sách nhập cư với các lãnh đạo châu Âu
Được biết, từ lâu ông Seehofer đã không hài lòng chính sách nhập cư của bà Merkel, đặc biệt với quyết định mở cửa biên giới nhận người tị nạn lúc cao điểm khủng hoảng tị nạn năm 2015.
Năm 2015, bà Merkel ra chính sách mở cửa tị nạn, đến nay đã nhận hơn 1,4 triệu người chạy trốn chiến tranh ở Syria, Iraq, Afghanistan. Thống kê của Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, không nước nào ở châu Âu nhận nhiều đơn xin tị nạn như ở Đức. Tất cả người nhập cư đều được phép vào Đức dù đơn xin cấp quyền tị nạn chưa được thông qua.
Nhiều nước châu Âu cũng bất mãn với chính sách mở cửa tị nạn của bà Merkel, thậm chí ủng hộ chủ trương khép cửa biên giới của ông Seehofer.
Theo giới phân tích, nếu chia rẽ sâu thêm bà Merkel sẽ sa thải ông Seehofer và liên minh cầm quyền CDU/CSU sẽ tan rã. Khi đó, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với khả năng lớn chấm dứt quyền lực bà Merkel. Nếu CSU chủ động tách khỏi CDU trở thành một đảng đối lập, liên minh cầm quyền chỉ còn 352 ghế, không đủ thế đa số, nguy cơ sụp đổ chính phủ cũng rất lớn.
Được biết, sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9/2017, cả liên minh CDU/CSU và đảng Dân chủ Xã hội (SPD), hai hệ thống đảng lớn ở Đức, đều chịu thất bại lớn. Sau năm tháng vất vả thương lượng, tháng 3 vừa rồi bà Merkel mới có thể thành lập được chính phủ liên hiệp với sự tham gia của ba đảng trên.
Hiện chưa rõ tình hình sẽ thế nào, nhưng rõ ràng vị trí thủ tướng của bà Merkel đang bị đe dọa. Xu thế chung hiện nay của truyền thông Đức là lo ngại CSU sẽ chấm dứt sát cánh CDU, khiến chính trị Đức hỗn loạn.