Thủ tướng đối thoại, giải đáp nhiều vấn đề "nóng" với nông dân

Xuân Lan| 09/04/2018 15:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (9/4), tại Hải Dương, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam với chủ đề "Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới". Nhiều vấn đề "nóng"người nông dân quan tâm đã được Thủ tướng giải đáp.

Thủ tướng đối thoại, giải đáp nhiều vấn đề

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Hội nghị

Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức.

Dự buổi đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân Việt Nam còn có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan.

Sản xuất cái thị trường cần

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, nông dân Tăng Xuân Trường, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chủ cơ sở chế biến nông sản Hưng Yên, nêu vấn đề về tình trạng dư thừa nông sản. Có nơi, người nông dân phải nhổ bỏ củ cải, su hào hay thậm chí đốt bỏ cả mía. Hay gần đây, ngay tại Đà Lạt, các mặt hàng nông sản như khoai tây, hành tây cũng đang xuống giá. Đó là một thực tế rất đáng buồn đối với ngành nông nghiệp nước ta.

Anh cho biết, bản thân vừa là người sản xuất vừa là người làm thương mại xuất khẩu rau củ khá lâu nên nhận thấy điểm yếu lớn nhất của mình là khâu tổ chức sản xuất.

Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp với kỳ vọng chính sách mới này sẽ tạo động lực giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.

“Vừa qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đi làm việc ở đâu cũng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam để quảng bá sản phẩm”, Thủ tướng nhấn mạnh việc tìm các thị trường tiêu thụ mới có ý nghĩa quan trọng để giải quyết tình trạng này.

“Tuy nhiên, khi sản xuất cái gì đó thì câu hỏi đặt ra là thị trường ở đâu chứ không phải chỉ sản xuất cái anh có mà phải là sản xuất cái thị trường cần”. Nhưng, bây giờ, với hàng triệu hộ dân mà tự sản, tự tiêu, tự tìm thị trường thì khó, cho nên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia với bà con là rất quan trọng. Do đó, cần sự phối hợp giữa 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối, nếu tách ra là không thành công. Cần xây dựng quy hoạch theo vùng, sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương chứ không phải làm ào ào.

Mạnh tay hơn đối với hàng giả, hàng kém chất lượng

Phản ánh tại buổi đối thoại nhiều nông dân cho rằng, cái khó của các Hợp tác xã hiện nay là sản xuất ra hàng chất lượng cao nhưng khi bán, giá lại bằng các sản phẩm thông thường vì người tiêu dùng không phân biệt được hàng giả, hàng thật. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng mạnh tay hơn nữa trong công tác quản lý thị trường, xử lý các hành vi vi phạm, nhất là đối với các mặt hàng liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp để “các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt được bán với đúng giá trị thực trên thị trường”.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng đã chỉ định Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải đáp câu hỏi. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và mở rộng thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”

Phân tích về vấn đề quản lý phân bón, cây, con giống và vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, các giống lúa Việt Nam là đứng đầu thế giới, nhóm cây công nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chỉ có một vài loại giống hiện đang yếu như cây quả, cây hoa và rau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường sở hữu trí tuệ, đẩy mạnh mở rộng thị trường, chuyển giao khoa học kỹ thuật; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, khoa học tại Việt Nam áp dụng cơ chế mới phối hợp với doanh nghiệp, nông dân, cơ sở sản xuất nhằm đưa nhanh nghiên cứu vào đời sống.

Giải đáp nỗi lo của người nông dân trước nỗi lo vấn nạn phân bón giả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để tăng cường quản lý chặt chẽ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm trong việc kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành nhiều Chỉ thị, Kế hoạch chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thời gian qua, các Bộ, ngành đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tổng kiểm tra, rà soát tất cả các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh phân bón; xác định những doanh nghiệp chấp hành đúng pháp luật, những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm; xác minh làm rõ các vụ việc phức tạp, nổi cộm để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Giải bài toán vốn cho sản xuất nông nghiệp

Tại buổi đối thoại, các nông dân, doanh nghiệp cho biết, một yếu tố khó khăn nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là vốn. Nhiều hộ gia đình, muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh phải vay vốn ngân hàng, thậm chí có lúc phải vay tín dụng đen với lãi xuất rất cao. Người nông dân kỳ vọng Thủ tướng, Chính phủ sớm đưa ra những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp và ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn.

Thủ tướng đối thoại, giải đáp nhiều vấn đề

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi của bà con nông dân

Được Thủ tướng chỉ định trả lời, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, không phải các ngân hàng không đủ vốn cho người nông dân, thậm chí hệ thống ngân hàng có chi nhánh rải khắp các tỉnh, thành, xuống tận thôn bản. Tính thanh khoản đang rất dồi dào, nếu thiếu vốn Ngân hàng Nhà nước lập tức bơm vốn. Theo ông Tú, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nông dân khó tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng là tính minh bạch của thông tin chưa đảm bảo. Trên thực tế, rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay.

Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hiện, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế. Điều đó cho thấy sự quan tâm sát sao của Đảng, Chính phủ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã cấp 600 tỷ cho hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân. Năm 2018, Bộ Tài Chính đã đề nghị với Thủ tướng Chính phủ để bổ sung kinh phí cho Quỹ và đề nghị Hội Nông dân Việt Nam phân cấp cho các đơn vị ngành dọc trong quá trình triển khai các dự án để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn.

Chính phủ thấy rõ vấn đề

Kết luận buổi đối thoại đặc biệt với bà con nông dân Thủ tướng nói và khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi nông nghiệp là mặt trận quan trọng. Thời gian qua, nông nghiệp đạt thành quả rất lớn nhưng chúng ta cũng thấy rõ chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Vẫn còn một bộ phận người nông dân đời sống còn bấp bênh. Còn tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Năng suất, sức cạnh tranh còn thấp. Xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi còn tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, ít quan tâm đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.

“Chúng tôi thấy rất rõ vấn đề này chứ không phải chỉ bệnh thành tích một chiều đối với nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân Việt Nam, để nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa đối với 70% người dân sống ở nông thôn và 43% lao động ở nông thôn hiện nay”, Thủ tướng nói.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Việc xây dựng nông thôn cần hướng đến xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. 

Cho rằng khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến sử dụng, thu hồi đất, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt hơn công tác này, nhất là tăng cường đối thoại, để giữ gìn bình yên ở nông thôn. “Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện, xã phải dành thời gian đối thoại với nông dân, chứ không chỉ Thủ tướng và các Bộ trưởng, để giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân, giải thích, giải đáp cho người nông dân về chủ trương, chính sách của chúng ta”.

Bên cạnh đó, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Nhấn mạnh việc giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. Thủ tướng cho rằng, trong quá trình tổ chức sản xuất, ngay người nông dân “phải đặt vấn đề tiêu thụ ở đâu, tiêu thụ bao nhiêu, chất lượng thế nào, bao bì, mẫu mã làm sao?”.

Muốn làm được điều đó, các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn, phải lắng nghe hơn để tháo gỡ các vướng mắc, nhất là những yếu tố đầu vào của sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu giả, chất lượng kém, an toàn vệ sinh thực phẩm kém, vốn liếng khó khăn, thị trường tù mù…

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng đối thoại, giải đáp nhiều vấn đề "nóng" với nông dân