Kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên; hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng; đổi mới sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh; phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu là 4 vấn đề lớn được Thủ tướng đề cập tại WEF- Mekong.
Chiều 25/10, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF- Mekong) đã chính thức diễn ra với chủ đề “Tìm kiếm sự thống nhất: Các nhà lãnh đạo khu vực chia sẻ tầm nhìn về khu vực Mekong”. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam cùng đại diện 160 doanh nghiệp thành viên của WEF.
4 vấn đề lớn nhằm hiện thực hoá Tầm nhìn ASEAN 2025
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo các nước, các doanh nghiệp và khẳng định đây là lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức một hội nghị riêng về phát triển khu vực Mekong. Hiện nay, khu vực Mekong là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực Mekong có 4/25 nền kinh tế tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới năm 2015, trong đó Campuchia, Lào, Myanmar tăng trưởng trên 7%, Việt Nam tăng trưởng 6,7% và Thái Lan đang phục hồi tích cực. Khu vực Mekong là điểm kết nối quan trọng ở châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người, quy mô GDP trên 660 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Nhấn mạnh việc các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn 2025 định hướng tiến trình xây dựng Cộng đồng tự cường, phát triển năng động, bền vững và gắn kết. Trong tiến trình đó, các nước Mekong xác định mục tiêu phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng đã đề cập 4 vấn đề lớn.
Thứ nhất, kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên. Các nước Mekong cùng các đối tác trong và ngoài khu vực cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc-Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam…
Việt Nam đã có nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia phát triển cơ sở hạ tầng và các chuỗi sản xuất.
Thứ hai, hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng. Các nước Mekong cùng với các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025, theo đó cần hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế.
Từ năm 2015, Việt Nam đã hợp tác với Lào thực hiện kiểm tra “một cửa, một lần dừng” trên Hành lang Kinh tế Đông-Tây và đang phối hợp với Cam-pu-chia nghiên cứu áp dụng mô hình này trên tuyến đường cao tốc PhnômPênh - Thành phố Hồ Chí Minh.
Việt Nam cùng các nước Mekong tăng cường hợp tác du lịch hướng tới mục tiêu “5 quốc gia - 1 điểm đến” trên cơ sở phát huy tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của khu vực.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh. Về vấn đề này Thủ tướng bày tỏ đồng tình với đánh giá của WEF về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu. Các nước Mekong không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ tư, phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với hoạt động khai thác thiếu bền vững nguồn nước sông Mekong, đang đặt ra thách thức lớn đối với môi trường, an ninh lương thực và phát triển bền vững của khu vực Mekong, bao gồm cả Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi đang xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo hàng năm.
Khắc phục sự phân phối không đồng đều các thành quả của tăng trưởng và hội nhập,thu hẹp khoảng cách phát triển và thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 là những nội dung ưu tiên trong các chương trình hợp tác Mekong và chiến lược phát triển của từng nước, mọi người dân có cơ hội thụ hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Đánh thức tiềm năng của khu vực tiểu vùng sông Mekong
Tại Hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với 4 vấn đề Thủ tướng đưa ra. Các đại biểu cũng đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam nhằm quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế; kết nối doanh nghiệp với các nguyên thủ, với các nhà hoạch định chính sách, hy vọng biến những nội dung trên giấy tờ, trên tầm nhìn trở thành những dự án hợp tác cụ thể. Đây là hội nghị nằm trong chuỗi sự kiện của hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2016, được thiết kế để tạo tính liên tục và xuyên suốt cùng với 2 Hội nghị diễn ra cùng thời điểm từ ngày 24 đến 26/10/2016, đó là Hội nghị cấp cao Lào- Campuchia- Myanmar- Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 và Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Aeawady- Chao Phraya- Mekong (AMECS) lần thứ 7.
Toàn cảnh Hội nghị WEF- Mekong
Hội nghị WEF- Mekong tại Việt Nam đã thu hút trên 100 tập đoàn và các công ty thành viên của WEF cũng như 60 tập đoàn và các công ty trong khu vực để tìm hiểu và đánh thức tiềm năng của khu vực tiểu vùng sông Mekong. Hội nghị mang đến những những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.
Thảo luận tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã chia sẻ, thảo luận về tầm nhìn Mekong, các biện pháp thúc đẩy thương mại, thu hút vốn phát triển cơ sở hạ tầng, các mô hình công nghiệp hóa mới, đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Về tầm nhìn Mekong, các đại biểu đã thảo luận thế mạnh của khu vực và phương thức kết hợp, các giải pháp để hội nhập khu vực mang lại những lợi ích thiết thực, đồng thời định vị Mekong trong hội nhập châu Á và Đông Nam Á. Để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, các nước thành viên đã bàn bạc, trao đổi, xem xét những thông lệ tốt nhất trong việc triển khai thủ tục xuất nhập khẩu minh bạch, hiệu quả, đáng tin cậy tại khu vực biên giới; nhận diện rõ những cơ hội và thách thức chủ yếu đối với trao đổi thương mại qua biên giới. Bên cạnh đó, các đại biểu đã xác định nội dung hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cần thiết cũng như phương thức hợp tác công, tư nhằm tạo khác biệt trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, đồng thời bàn về những giải pháp để khai thông dòng vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Với việc tổ chức thành công Hội nghị WEF- Mekong, Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia đóng góp có trách nhiệm và thúc đẩy hợp tác WEF- Mekong theo hướng thực chất và hiệu quả hơn. Việt Nam đã ký 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định FTA với EU, đây là những cơ sở quan trọng để Việt Nam mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Mặt khác, đây là dịp để Việt Nam củng cố mối quan hệ truyền thống với các nước láng giềng, các quốc gia đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới nhằm xây dựng các nước Mekong phát triển, trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường, hài hòa về xã hội.