Thủ tướng: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng

Xuân Lan| 04/05/2020 10:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng chiều ngày 3/5, Thủ tướng Chính phủ nhất trí cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng cất cánh bay cao hơn, xa hơn.

Thủ tướng: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng

Hải Phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ

Đánh giá cao các báo cáo, ý kiến của lãnh đạo Thành phố cảng đã đề cập đến nguyên nhân của các kết quả đạt được với nhiều giải pháp quyết liệt, Thủ tướng nhìn nhận, Hải Phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ. Hai nhiệm vụ này được tiến hành đồng thời vừa quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong phòng chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mang tính điển hình và bảo đảm an sinh xã hội.

Thành phố đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 4 tháng qua, ở mức cao (14,9%, gấp 3,92 lần mức trung bình cả nước). Sản xuất công nghiệp ổn định và tăng trưởng khá: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I/2020 tăng 22,7%, gấp 3,91 lần cả nước là 5,8%. Kết cấu hạ tầng KTXH được tập trung đầu tư từ nhiều nguồn vốn; cơ sở vật chất kỹ thuật thành phố tiếp tục được tăng cường hiện đại. Trong tháng 5 này, Hải Phòng có 15 công trình được khởi công hoặc khánh thành.

Đánh giá cao tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố hoa phượng đỏ, Thủ tướng cho rằng, nếu cả nước giải ngân 100% của 700.000 tỷ đồng thì đóng góp vào tăng trưởng rất tốt.

Tại sao Hải Phòng làm được điều này mà một số ngành, địa phương không làm được? Thủ tướng nêu vấn đề và nhấn mạnh: Các địa phương phải nghiên cứu những phương thức, cách làm của Hải Phòng trong vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản. Thủ tướng lấy ví dụ, bãi cọc Bạch Đằng mới phát hiện tại Hải Phòng được khoảng 6 tháng thì hôm nay đã khởi công xây dựng khu bảo tồn.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Về chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2018 tiếp tục giữ vị trí tốp 5/63; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAR) năm 2018, xếp thứ  9/63 tỉnh, thành phố với tỷ lệ hài lòng là 90.86% cao hơn 18 bậc so với năm 2017.

Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng về chương trình xây dựng nông thôn mới của Hải Phòng. Năm 2020, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố đặt kế hoạch xây dựng 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Làm nên một chiến thắng Bạch Đằng mới trong kinh tế

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhắc lại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định vai trò, vị thế của Hải Phòng là trở thành thành phố đi đầu cả nước trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế biển, công nghiệp trình độ cao và du lịch phải là 3 trụ cột chiến lược của Hải Phòng từ nay đến 2045.

Hải Phòng được xác định là một trọng điểm phát triển của cả nước trên nền tảng kinh tế biển, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển cả nước.

Theo đó, Hải Phòng cần xác định hướng đi chính là công nghiệp trên nền tảng công nghệ cao, phát huy tối đa các khu công nghiệp với công nghệ cao hiện có, xây dựng chiến lược FDI có chọn lọc. Hải Phòng phải trở thành một đô thị thông minh, hiện đại gắn với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, một thành phố đáng sống.

Do vậy, công tác quy hoạch phát triển không gian đô thị của Hải Phòng cần đi trước một bước trên cơ sở tích hợp các yêu cầu phát triển bền vững theo hướng tránh tập trung quá nhiều vào lõi đô thị, hoàn thành việc di chuyển trung tâm thành phố hành chính sang phía Bắc sông Cấm, phát triển đô thị vệ tinh có quy mô hợp lý, phù hợp với trình độ quản lý, khả năng huy động các nguồn lực xã hội tham gia với phương châm Nhà nước lập quy hoạch, doanh nghiệp thực hiện, người dân tham gia và thụ hưởng. Thực hiện cho được mong muốn của Bác Hồ, thành phố gương mẫu của nước ta là thành phố Hải Phòng.

Cho rằng Hải Phòng cần phân kỳ phát triển, Thủ tướng mong muốn, đến năm 2045, Hải Phòng phải có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Thủ tướng nhất trí cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng cất cánh bay cao hơn, xa hơn.

Theo Thủ tướng, bây giờ nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Hải Phòng là trong 3 quý còn lại của năm 2020, thành phố phải mang trọng trách tiên phong, một cực tăng trưởng quan trọng cho phát triển đất nước. Hải Phòng nêu gương, hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2020, chưa thay đổi chỉ tiêu. “Hải Phòng không được thỏa mãn với thành quả bước đầu quan trọng mà thấy được nhiệm vụ trước mắt và lâu dài rất nặng nề”.

Nhân việc khởi công xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Bạch Đằng, Thủ tướng đề nghị Hải Phòng, với quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần dám nghĩ, dám làm, hãy cùng nhau làm nên một chiến thắng Bạch Đằng mới trong kinh tế.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành khẳng định quyết tâm, không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2020.

Theo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, quý I/2020, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 14,9%, cao gấp gần 4 lần cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Quý I/2020 tăng 22,7%, gấp 3,91 lần cả nước là 5,8%; 4 tháng đầu năm tăng 16,18%.

Xuất khẩu của Hải Phòng tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch quý I/2020 tăng 15,62%, trong khi đó cả nước chỉ tăng 0,5%; thu ngân sách đạt 18.890 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc phát triển doanh nghiệp của thành phố cũng đạt kết quả tích cực. Tổng số doanh nghiệp hơn 34 nghìn doanh nghiệp, tỷ lệ khoảng 60 người dân/doanh nghiệp (cao hơn rất nhiều mức bình quân cả nước); 4 tháng đầu năm 2020 thành lập mới 837 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 5.643 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt hơn 30.662 tỷ đồng, tăng gần 3%.

Hải Phòng là một trong nhiều địa phương triển khai tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên thành lập các tổ, chốt kiểm soát phòng chống dịch bệnh từ thành phố đến thôn, tổ dân phố; đã thành lập 2.448 tổ kiểm soát phòng chống dịch tại tất cả thôn, tổ dân phố với 336 chốt cấp xã, phường, thị trấn; 44 chốt cấp quận, huyện; 19 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào thành phố.

Hải Phòng đã chủ động triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP (gói hỗ trợ an sinh xã hội) với tổng mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách là 941 tỷ đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng