Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời câu hỏi liên quan đến 2 vấn đề nóng là quá trình thanh kiểm tra tại Formosa và vụ cột điện đường dây 500 kV gãy đổ trong điều kiện thời tiết bình thường, tại họp báo Chính phủ chiều 5/5.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời họp báo Chính phủ chiều 5/5
Vụ việc liên quan đến Công ty Formosa là hết sức nghiêm trọng
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chỉ trong vòng nửa tháng đã có nhiều đoàn đến kiểm tra tại Công ty Formosa, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, với một sự kiện như Formosa là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý và kinh tế… Cho nên việc vào cuộc của các cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng là hết sức cần thiết. Về phía Bộ Công Thương đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, vì đây là cơ sở sản xuất công nghiệp.
Riêng Bộ Công Thương tổ chức hai đoàn. Đoàn thứ nhất kiểm tra việc vận hành, hoạt động của Formosa có đúng theo quy trình, quy định theo lĩnh vực mà Bộ Công Thương phụ trách hay không? Kể cả về an toàn lao động, trang thiết bị.
Đoàn thứ hai là liên quan sử dụng hóa chất khi Formosa nhập khẩu vào Việt Nam, theo quy định phải qua Cục Hóa chất, Bộ Công Thương. Khi có xác nhận của cơ quan quản lý thì được phép nhập khẩu, sử dụng theo quy định, theo kê khai với các cơ quan quản lý. Hiện nay, báo cáo của Bộ đã được tập hợp gửi lên Chính phủ.
Thông tin cụ thể hơn Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, cả năm 2015 và tính đến thời điểm này, Formosa đã nhập khẩu gần 384 tấn hóa chất, 103 loại hóa chất, đã được đăng ký, được chấp thuận nhập khẩu để sử dụng. Từ đầu năm 2016, Formosa đã được chấp thuận để nhập khẩu 204 tấn với 43 loại hóa chất, đây là theo quy định. Với mục đích nhập khẩu là để làm sạch bề mặt kim loại, hóa chất dùng để khử khuẩn, chất keo tụ xử lý nước, hóa chất ổn định…
Từ đầu năm 2016 đến nay công ty đã sử dụng khoảng 51 tấn hóa chất, còn tồn trong kho khoảng 248 tấn hóa chất. Đây là những hóa chất đã được phép nhập khẩu, được sử dụng theo đăng ký cũng như các quy định pháp luật.
Đề cập đến việc tính toán mức độ an toàn khi sử dụng các hóa chất này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trên thực tế hiện có những hóa chất độc hại nhưng vẫn được nhập khẩu và sử dụng, quan trọng là mục đích sử dụng thế nào. Ví dụ, ngành Y tế phải nhập những thuốc hết sức độc, ví dụ nọc rắn, nhập khẩu thuốc độc có thể để chữa bệnh. Tương tự như vậy có những hóa chất độc hại, mức độ nào đi chăng nữa, quan trọng nhất là sử dụng theo đúng quy trình, quy định.
Do đó, cụ thể ở sự việc của Formosa, câu hỏi đặt ra là khi đến bể xả, lúc đó bất cứ đơn vị nào cũng phải tuân thủ quy định về môi trường và các quy định khác. Vậy, khi đến bể xả thì Formosa có tuân thủ theo đúng các quy định về môi trường hay không?, đã xử lý việc đó thế nào?. Trong quá trình kiểm tra phải làm rõ vấn đề này. Về việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đoàn kiểm tra, sau này sẽ có báo cáo Chính phủ và Chính phủ sẽ có thông báo chính thức.
“Cột điện 500kV đổ gục là một việc không bình thường”
Liên quan đến việc gãy hai cột điện 500kV tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang vào sáng 22/4, PV có đặt câu hỏi trên quan điểm việc đổ gãy cột điện này là “bất thường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng: Trong một điều kiện thời tiết không quá khác thường nhưng có một sự việc rõ ràng là hoàn toàn khác thường. Đó là có một cột điện trong đường dây 500kV bị đổ (vị trí VT199) và một cột bị bục cánh sặt (vị trí VT200).
“Chúng tôi cũng đã xác định đây là một việc không bình thường”, ông Hải nêu quan điểm.
Đồng thời Thứ trưởng cho biết trước sự cố này, Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (đơn vị trực tiếp quản lý Công ty Truyền tải điện 1 - đơn vị quản lý đường dây) xuống kiểm tra hiện trường thuộc xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Cùng lúc, Bộ Công Thương cũng lập một đoàn khác, thông qua Cục An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) trực tiếp đến kiểm tra và đoàn đã có báo cáo cụ thể.
“Tất cả những nội dung, chúng tôi đã có tập hợp. Và hiện nay, Bộ cũng tổ chức tiếp một đoàn để thanh tra lại các hoạt động đó”, ông Hải nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thì thành phần đoàn thanh tra này bao gồm: lãnh đạo Tổng cục Năng lượng và nhiều đơn vị khác của Bộ Công Thương như Cục An toàn và Môi trường, Cục Điều tiết Điện lực, Thanh tra Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế, Viện Năng lượng và đại diện Cục giám định Nhà nước về chất lượng (thuộc Bộ Xây dựng).
Về vấn đề này Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, sau khi hoàn tất quá trình kiểm tra và đưa ra được kết luận cuối cùng sẽ thông tin đầy đủ đến các cơ quan thông tấn báo chí.
Sự việc đổ gãy 2 cột điện 500kV (ký hiệu 199 và 200) tại xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang xảy ra vào sáng ngày 22/04/2016, khi thời tiết mưa giông. Đáng nói là theo thiết kết, là các cột điện này chịu được bão cấp 12. Các cột điện đổ gãy thuộc Đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa, dự án năng lượng cấp I, có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành thực hiện Dự án. Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, còn 2 đơn vị là Công ty CP Xây lắp điện 1 và Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam là nhà thầu thi công công trình. Đường dây 500 Kv Quảng Ninh - Hiệp Hòa là đường dây mạch kép (2 mạch), có chiều dài 139 km, từ trạm biến áp 500 Kv Quảng Ninh đến trạm biến áp 500 Kv Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Đường dây có nhiệm vụ truyền tải công suất của cụm nhiệt điện Quảng Ninh - Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia. |