Thử "bom H" có thể coi là nước cờ chiến lược "táo bạo" nhằm chứng tỏ uy tín của Bình Nhưỡng đối với bên ngoài rằng “Triều Tiên đang đứng trong hàng ngũ những cường quốc hạt nhân tiên tiến”, một chuyên gia nhận định.
Ngày 06/01/2016, thế giới rúng động với tuyên bố thử thành công “bom nhiệt hạch” (bom H) của CHDCND Triều Tiên. Chính quyền nước này cũng phát đi thông báo chính thức khẳng định sự kiện “đặc biệt” có thể khiến thế giới “giật mình” trên kênh truyền hình quốc gia, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cùng các phương tiện truyền thông khác.
Ngay lập tức, bên cạnh những tuyên bố lên án hành động của Bình Nhưỡng, nhiều người lại tỏ ra hoài nghi về cái gọi là “bom nhiệt hạch” mà Triều Tiên khẳng định. Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể đây cũng chỉ là một “màn kịch” khoa trương mà chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un thường làm nhằm “thị uy” đối thủ; rằng đó không phải quả bom có sức công phá mạnh gấp nhiều lần bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản hồi Thế chiến II.
Cho đến giờ phút này, sẽ là quá sớm để khẳng định hay bác bỏ thông báo của chính quyền Bình Nhưỡng về vụ thử bom H là thật hay giả. Tuy nhiên, một trận động đất 5,1 độ Richter xảy ra gần nơi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân năm 2013 vào lúc 10h00 ngày 06/01 - đúng thời điểm mà Bình Nhưỡng thông báo trên KCNA có thể được xem như một trong những “bằng chứng xác thực” cho vụ thử nghiệm? Và, nhiều khả năng, “đối thủ chính” - theo nhận định của chính quyền Triều Tiên là Mỹ và Hàn Quốc - hẳn không thể… làm ngơ.
CNN đưa tin vụ thử "bom H" của Triều Tiên
Nhà Trắng tuyên bố, vẫn còn quá sớm để kết luận đây là bom H, song nhấn mạnh sẽ có “phản ứng thích đáng” đối với “tất cả các hành động khiêu khích”. Chính phủ Hàn Quốc ra tuyên bố lên án hành động của Triều Tiên và khẳng định sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, như trừng phạt trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBALHQ)… Còn ông Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật Bản, láng giềng của Triều Tiên, thì coi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia.
Trong khi đó, tại phiên họp khẩn diễn ra sáng 07/01 (theo giờ Hà Nội), các quốc gia thành viên HĐBA đã kịch liệt lên án vụ thử hạt nhân mới này của Bình Nhưỡng, đồng thời khẳng định đây là “hành động vi phạm trắng trợn” các nghị quyết 1718 (năm 2006), 1874 (năm 2009), 2087 và 2094 (năm 2013) của HĐBA cũng như cơ chế không phổ biến hạt nhân. HĐBA coi hành động này là “mối đe dọa rõ ràng” đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Đồng thời, HĐBA cũng nhắc lại đã từng cảnh báo sẽ thực thi các “biện pháp mạnh mẽ” nếu Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân, từ trước vụ thử ngày 06/01. Do đó, trước hành động của Triều Tiên, HĐBA cho biết sẽ khẩn trương thảo luận một nghị quyết mới. Và, nguy cơ đối mặt với một lệnh trừng phạt bổ sung là hoàn toàn có thể xảy ra đối với chính quyền Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, điều nhiều chuyên gia lo ngại chính là một khi Triều Tiên thử bom, cho dù đó không phải là bom H đi chăng nữa, thì động thái này vẫn có thể đe dọa an ninh quốc gia các nước trong khu vực và toàn cầu; và nó có thể dẫn đến nguy cơ “gia tăng các kho vũ khí hạt nhân” như cảnh báo của Giáo sư Khoa học Xã hội Charles Armstrong thuộc trường Đại học Columbia, chuyên ngành Nghiên cứu Hàn Quốc trên RIA Novosti ngày 06/01.
Thậm chí, các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền của Hàn Quốc ngày 07/01 còn cho rằng, Seoul nên xem xét việc xây dựng một sức mạnh hạt nhân nhằm mục đích “bảo vệ quốc gia khỏi nguy cơ khủng bố và sự hủy diệt của Triều Tiên”, Sputnik dẫn nguồn tin hãng thông tấn Yonhap cho biết.
Vụ thử bom có thể giúp lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định quyền lực. Ảnh: Reuters
Song có một điều mà giới phân tích quốc tế cùng lãnh đạo các cường quốc trên thế giới đặc biệt quan tâm đó là ý định thực sự của Bình Nhưỡng trong vụ thử này là gì?
Tờ L’Express (Pháp) ngày 06/01 dẫn lời bà Francoise Nicolas, Giám đốc Trung tâm châu Á thuộc Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI), cho rằng hành động này có thể chứng minh sự hợp nhất quyền lực của lãnh đạo Kim Jong-un trong nội bộ. Mặt khác, nó còn chứng tỏ được uy tín của Bình Nhưỡng đối với bên ngoài rằng “Triều Tiên đang đứng trong hàng ngũ những cường quốc hạt nhân tiên tiến” như nhận định của bà Valerie Niquet, chuyên gia châu Á tại Quỹ nghiên cứu chiến lược (FRS).
Cũng theo bà Niquet, vụ thử diễn ra ngay đầu năm 2016, trước sinh nhật Chủ tịch Kim hai ngày còn mang tính biểu tượng cao nhằm đánh dấu sức mạnh của Triều Tiên và chính quyền nước này. Đây cũng là cột mốc trong chiến lược phát triển khả năng hạt nhân dài hạn của Triều Tiên, như lời ông Kim Jong-un đã tuyên bố vài tuần trước đó, rằng nước này sở hữu bom nhiệt hạch.