Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức khẳng định tại họp báo quý II/2018 của Bộ Quốc phòng, diễn ra sáng nay (3/7).
Buổi họp báo đã giới thiệu, định hướng tuyên truyền về Luật Quốc phòng năm 2018; giới thiệu thành tựu tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam qua 20 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; kết quả tiêu biểu trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển của lực lượng Cảnh sát biển gần đây.
Giới thiệu về Luật Quốc phòng (sửa đổi) năm 2018 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5, Đại tá Lương Quang Cương, Phó cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu nhấn mạnh: Luật Quốc phòng năm 2018 gồm 7 chương, 40 điều, bổ sung 15 điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là bổ sung chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân, công nghiệp quốc phòng, an ninh, phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung quy định về phòng chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; quy định mới về phòng thủ quân khu; bổ sung quy định đầu tư xây dựng ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng; bổ sung quy định về quyền con người, quyền công dân trong thực hiện Lệnh thiết quân luật, giới nghiêm; bổ sung quy định về bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính, tài sản phục vụ quốc phòng, bảo đảm phục vụ quốc phòng trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan; bổ sung quy định về nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, đối ngoại quốc phòng, kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng...
Giới thiệu về thành tựu tiêu biểu của Cảnh sát biển Việt Nam qua 20 năm xây dựng, phát triển, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam cho biết: Cảnh sát biển Việt Nam đã trưởng thành toàn diện, từ Cục Cảnh sát biển trở thành Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, khẳng định được vị trí là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển.
Trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo bằng biện pháp pháp luật, dân sự, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng nắm chắc tình hình, tổng hợp, phân tích, dự báo các tình huống có thể xảy ra, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên biển; tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hơn 7.400 tàu nước ngoài vi phạm; 24 lượt/chiếc giàn khoan, tàu khảo sát, nghiên cứu, thăm dò... vi phạm, ra khỏi vùng biển Việt Nam, bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước.
Trong đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trên biển, Cảnh sát biển đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng khác giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển; điều tra bắt và xử lý 284 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đáng chú ý, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển đã triển khai chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ trên các tuyến biển trọng điểm về ma túy, phối hợp với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan... điều tra khám phá hơn 1.500 chuyên án, vụ án, trong đó tiến hành khởi tố 365 vụ/399 đối tượng, bắt giữ hơn 2.800 đối tượng cùng nhiều tang vật...
Trong đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trên biển, Cảnh sát biển đã góp phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng khác giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, duy trì an ninh trật tự, an toàn trên biển; điều tra bắt và xử lý 284 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. Đáng chú ý, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển đã triển khai chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ trên các tuyến biển trọng điểm về ma túy, phối hợp với các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan... điều tra khám phá hơn 1.500 chuyên án, vụ án, trong đó tiến hành khởi tố 365 vụ/399 đối tượng, bắt giữ hơn 2.800 đối tượng cùng nhiều tang vật...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức (trái) phát biểu tại họp báo
Đặc biệt tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên quan tâm hướng xử lý các sỹ quan cao cấp trong Quân đội theo tinh thần kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định: “Trong thời gian tới, Thường vụ Quân ủy Trung ương sẽ có chỉ đạo cụ thể về việc xem xét trách nhiệm của các cá nhân có liên quan một cách nghiêm túc, khẩn trương; thể hiện quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc kịp thời xử lý những sai phạm trong nội bộ”.
Liên quan đến những thông tin cho rằng Thượng tướng Phương Minh Hòa đã bị bắt, Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức khẳng định thông tin trên là chưa chính xác.
Trước đó, ngày 30/6, kết thúc kỳ họp thứ 27, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân, Bộ Quốc phòng. Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không-Không quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng.
Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân không đúng quy định.
Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân nhân, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định.