“Thông đường” các cửa khẩu thương mại phía Bắc

Tuấn Phong| 19/08/2021 17:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng nhất cho tiêu thụ trái cây và nông sản Việt Nam. Điều này thể hiện qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam với Trung Quốc đạt 8,67 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 35,8%; riêng mặt hàng rau quả đạt con số ấn tượng gần 2 tỷ USD.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông sản. Tổng lượng nông sản thông quan sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc tăng mạnh như Lạng Sơn gần 1,3 triệu tấn; Quảng Ninh hơn 800 nghìn tấn; Lào Cai đạt 700 nghìn tấn...

Tuy nhiên, từ cuối tháng 7-2021, lượng hàng hóa có nhu cầu xuất khẩu đang rất lớn khi nhiều loại trái cây, nông sản vào vụ thu hoạch.

Trong khi năng lực kho, bãi tại khu vực cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là thiếu các kho lạnh bảo quản, nên việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhiều thời điểm bị gián đoạn. Riêng lượng hàng hóa lưu trữ tại các cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh hiện lên tới 4.000 - 5.000 tấn.

Hải quan các cửa khẩu lưu ý, thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với thời gian trước khi phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam; trái cây chỉ được phép thông quan tại các cửa khẩu: Hà Khẩu (Lào Cai); Tân Thanh, Ga Đồng Đăng, Cốc Nam, Chi Ma (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh).

1(3).jpg

Cửa khẩu Tân Thanh Lạng sơn đã thông thoáng từ 18/8

Nhưng điều khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại là chỉ có 10% nông sản Việt Nam xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, còn lại xuất khẩu chủ yếu theo chính sách biên mậu. Trong khi phía Trung Quốc ngày càng siết chặt kinh doanh biên mậu, khiến nông sản Việt Nam thông quan gặp nhiều khó khăn, bởi các quy định về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc...

Đây là “nút thắt” đang được cơ quan chức năng hai nước tháo gỡ để đưa tăng trưởng thương mại tương xứng với tiềm năng của mỗi bên. Nhưng để tránh hàng hóa bị ùn ứ, nhiều chuyên gia khuyến nghị, ngành nông nghiệp cần điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý. Mặt khác, các doanh nghiệp, thương nhân phải cập nhật thông tin kịp thời về thị trường, cung-cầu các mặt hàng xuất khẩu.

Song song với đó, các địa phương cần tiếp tục nâng cấp cửa khẩu, cảng biển; tổ chức phân luồng, điều tiết phương tiện, kho, bãi, để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa và xử lý dứt điểm các “điểm nghẽn” trong lưu thông và xuất khẩu.

Hiện, Việt Nam đã xuất khẩu 9 loại trái cây chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị hồ sơ cho 8 loại nông sản nữa để xuất khẩu chính ngạch, chỉ chờ dịch Covid-19 được kiểm soát để ký Nghị định thư với Trung Quốc.

Vì vậy, các địa phương, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc. Nhất là từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Rõ ràng, nông sản muốn chiếm lĩnh thị trường quan trọng này, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi kinh doanh, xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, giảm dần lệ thuộc vào kinh doanh biên mậu. Bản thân các mặt hàng nông sản xuất khẩu phải nâng cao chất lượng, tuân thủ các yêu cầu từ mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật, thực vật, quy trình canh tác, cho tới bao bì, đóng gói và khâu vận chuyển.

Để ứng phó trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, việc đẩy nhanh xây dựng “cửa khẩu số”, thương mại điện tử sẽ giúp các địa phương khơi thông dòng chảy thương mại qua biên giới, phá những “điểm nghẽn” trong thông quan hàng hóa và mở ra thị trường ổn định cho nông sản của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thông đường” các cửa khẩu thương mại phía Bắc