Xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định theo lĩnh vực

Trọng Bằng| 24/08/2016 22:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 24/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp (Đề án 258) đã chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định theo lĩnh vực

Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh công tác giám định tư pháp đã có nhiều thay đổi sau khi ban hành Đề án 258. Nhận thức của các cơ quan chức năng có chuyển biến tích cực, 49 Ban Chỉ đạo ở địa phương đã được thành lập. Các cơ quan đã ban hành 36 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp.

Hệ thống giám định được củng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, tăng cường, từng bước đáp ứng yêu cầu; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ thực hiện giám định tư pháp, tăng cường hoạt động giám định, yêu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng… Trong 5 năm thực hiện, hầu hết các nhiệm vụ lớn của đề án đã được các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần sớm được khắc phục. Đó là chậm ban hành văn bản hướng dẫn, một số quy định không còn phù hợp, các quy định của tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận chưa cụ thể, thực hiện chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu, chưa bổ nhiệm đủ cán bộ giám định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám định tư pháp, chưa tập trung nguồn lực cần thiết để triển khai đề án… Do vậy, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ của Đề án chưa được triển khai kịp thời.

Ở một số khâu, công tác giám định tư pháp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống như trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, pháp y tâm thần. Một số vụ trưng cầu giám định còn chung chung, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng giám định nhiều lần nhưng kết quả lại khác nhau. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải hoàn thiện toàn diện công tác giám định để bảo đảm tính khách quan, khoa học, minh bạch.

Phó Thủ tướng chỉ ra những yếu kém trong công tác giám định tư pháp, nhất là thực hiện giám định phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng, môi trường, đất đai, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết luận giám định chậm, có những vụ án phải có ý kiến của cấp cao mới đẩy nhanh được tiến độ giám định gây băn khoăn trong dư luận xã hội…

Theo Phó Thủ tướng, giải pháp cho tình trạng này là phải có tính chế tài cụ thể, khi cơ quan trưng cầu giám định đề nghị giám định thì tổ chức giám định phải thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ trả kết luận giám định, nếu từ chối giám định phải có lý do chính đáng, không thể “ngâm” hay từ chối không chính đáng được.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu việc xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, xây dựng đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám định hiện nay.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, năm 2015, Ban chỉ đạo đề án 258 đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhất là việc thành lập các đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo tiến hành tại một số bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện Đề án 258. Qua trao đổi, làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, tổ chức có liên quan, qua đó đã phát hiện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Đề án. Từ đó, kịp thời có những kiến nghị, giải pháp giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục, giải quyết khó khăn, vướng mắc.

Các bộ, ngành cũng đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm như ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác giám định tư pháp (GĐTP), tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho công tác này.

Tuy nhiên, báo cáo của Ban chỉ đạo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án 258. Đó là, cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương vẫn chưa thật sự quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện triển khai các nhiệm vụ được giao, chưa phối hợp và thông tin có hiệu quả với Bộ Tư pháp, ngành chủ quản trong việc tổ chức, hoạt động và quản lý GĐTP, nhiều cuộc họp về GĐTP không cử cán bộ có thẩm quyền tham dự để phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc; hoạt động kiểm tra của một số đoàn đi giám định còn chưa toàn diện, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa có được những chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn trong các tổ chức, hoạt động và quản lý công tác GĐTP ở bộ, ngành, địa phương có liên quan cho đúng tầm; nhiều nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch về khắc phục các vướng mắc, khó khăn về GĐTP nói chung và án tham nhũng, kinh tế nói riêng chưa được các bộ, ngành thực hiện bảo đảm chất lượng…

Ban chỉ đạo Đề án 258 kiến nghị sớm tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện đề án, qua đó có đánh giá toàn diện về kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của đề án; khắc phục khó khăn về GĐTP trong giải quyết án tham nhũng; đề án cấp có thẩm quyền sớm thành lập Hội đồng phối hợp liên ngành về GĐTP; Ban chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành chủ quản tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao về GĐTP, rà soát, ban hành quy trình giám định chuẩn trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ tổ chức, cá nhân làm GĐTP…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng các tổ chức giám định độc lập và cán bộ chuyên trách giám định theo lĩnh vực