Việt Nam sẽ đề xuất Tuyên bố APPF Hà Nội-Tầm nhìn mới tại APPF-26

Ngọc Mai| 18/01/2018 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thông tin trên được đưa ra tại Họp báo về Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) diễn ra chiều ngày 17/1.

Việt Nam sẽ đề xuất Tuyên bố APPF Hà Nội-Tầm nhìn mới tại APPF-26

Quang cảnh buổi họp báo

Tại Trung tâm báo chí- Nhà Quốc hội, Ban Tổ chức APPF- 26 đã tổ chức Họp báo của nước chủ nhà Việt Nam về Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF- 26). Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Ban tổ chức APPF- 26 Nguyễn Văn Giàu; Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban tổ chức APPF- 26 Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Nội dung APPF- 26 Vũ Hải Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Tiểu ban Thông tin- Tuyên truyền APPF- 26 Đỗ Mạnh Hùng chủ trì họp báo.

Tham dự họp báo còn có các thành viên của Ban Tổ chức, các Tiểu ban của APPF- 26, đại diện Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan cùng đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế.

Ghi dấu ấn 25 năm hình thành và phát triển của APPF

Tại họp báo, theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Ban tổ chức APPF- 26, đây là lần thứ hai Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức APPF. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh diễn đàn tròn 25 năm hình thành và phát triển với mục tiêu tăng cường trao đổi giữa các nghị sỹ về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa. Đây cũng là kênh hỗ trợ quan trọng cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Và để ghi dấu ấn 25 năm thành lập, đề ra một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đã đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á- Thái Bình Dương. Bản tuyên bố này sẽ bảo đảm tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua.

Đoàn Việt Nam đã hoàn thiện 6 dự thảo Nghị quyết do Quốc hội Việt Nam chủ động đề xuất, bao gồm: Thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới; vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực; vai trò của APPF trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, cách đây 3 năm, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghi viện Thế giới lần thứ 132 (IPU- 132) với số lượng lớn đại biểu và khách mời tham dự, được Nguyên Chủ tịch IPU Saber Chowdhury đánh giá là mẫu mực trong việc tổ chức IPU. Ngay sau IPU- 132, Ban tổ chức đã có tổng kết kinh nghiệm, đánh giá kết quả thực hiện. Kế thừa kinh nghiệm trong công tác tổ chức IPU, Ban tổ chức APPF- 26 đã hết sức thận trọng trong khâu tổ chức và đến nay đã hoàn tất công tác chuẩn bị, và sẵn sàng cho mọi hoạt động của hội nghị.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ sở vật chất để cho các phóng viên báo chí trong nước và quốc tế tác nghiệp tại Trung tâm báo chí tại Nhà Quốc hội và Trung tâm báo chí tại Khách sạn JW Marriott- nơi diễn ra các phiên thảo luận của Hội nghị.

Gắn kết cộng đồng châu Á-TBD

Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững” có sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên, trong đó có 7 đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tham dự sự kiện này còn có Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới, nguyên Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Tổng thư ký Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA).

Các đoàn có số thành viên lớn như: Nhật Bản 36 thành viên, Indonesia 30 thành viên, Campuchia 26 thành viên, Mexico 25 thành viên, Malaysia 25 thành viên, Mông Cổ 21 thành viên, Trung Quốc 20 thành viên, Lào 20 thành viên, Canada 18 thành viên.

Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương được thành lập năm 1993, với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên gồm Australia, Campuchia, Canada, Costa Rica, Chile, Colombia, Trung Quốc, Ecuador, Fiji, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, quần đảo Marshalls, Mexico, Micronesia, Mông Cổ, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam. Ngoài ra, Nghị viện Brunei tham gia với tư cách là quan sát viên.

Quy mô của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tuy không lớn như Liên minh Nghị viện thế giới nhưng thành viên của Diễn đàn có nhiều nước lớn có vị trí vai trò và tiếng nói quan trọng trong quan hệ quốc tế.

Diễn đàn nhằm tăng cường trao đổi giữa các nghị sĩ trong khu vực về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại, văn hóa và giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng cho toàn khu vực. Đây cũng là kênh hỗ trợ cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Với các phiên thảo luận toàn thể, tập trung vào các chủ đề: chính trị, an ninh; kinh tế thương mại; hợp tác khu vực và tương lai của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các nghị quyết và Tuyên bố chung.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn.

Việc đăng cai tổ chức lần thứ hai sự kiện quy mô lớn này tiếp tục thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, góp phần truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm quốc tế.

Đây cũng là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao của Quốc hội nói riêng và đất nước nói chung. Sự kiện này còn nhằm triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Đại hội lần thứ XII đề ra, đó là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở thành một diễn đàn liên nghị viện quan trọng.

Trên cương vị chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương, Quốc hội Việt Nam có trọng trách cùng các nghị viện thành viên phát huy tối đa vai trò của Diễn đàn trong việc xúc tác, gắn kết các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác đa phương khác trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẽ đề xuất Tuyên bố APPF Hà Nội-Tầm nhìn mới tại APPF-26