UBTVQH cho ý kiến về BLHS 2015: Bổ sung tội danh “Tài trợ khủng bố” và “Rửa tiền”

PV| 20/02/2017 20:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ luật hình sự 2015 (BLHS 2015) với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng liên quan đến quy định trách nhiệm hình sự đối với trẻ vị thành niên, đối với pháp nhân, lĩnh vực môi trường…đã được UBTVQH thảo luận sáng 20/2.

Chỉ xử lý hình sự với pháp nhân thương mại

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP), việc sửa đổi Bộ luật lần này trên tinh thần rà soát, sửa đổi triệt để những sai sót về kỹ thuật, những quy định bất hợp lý. Bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định.

UBTP xin ý kiến UBTVQH  về 13 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, UBTP cho biết, hiện có hai quan điểm khác nhau: thứ nhất là mở rộng trách nhiệm hình sự (TNHS) với tất cả pháp nhân, chứ không chỉ giới hạn trong pháp nhân thương mại và thứ hai là không quy định TNHS với pháp nhân và UBTP đề nghị quy định TNHS với pháp nhân thương mại.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). UBTP thấy rằng việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội danh này đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên thì có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Góp ý dự thảo Bộ luật, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị, những nội dung lấy ý kiến đại biểu Quốc hội lần đầu tiên và có ý kiến đa số thì cần tôn trọng, tạo sự đồng thuận của số đông. Còn những vấn đề đại biểu Quốc hội cho ý kiến bằng phiếu thì nên giữ nguyên theo đa số.

Về vấn đề có 2 cấu thành cơ bản trong khá nhiều điều luật, mà BLHS năm 2015 có 30 điều luật (cấu thành cơ bản thứ nhất thường là khoản 1, cấu thành cơ bản thứ hai thường là khoản 4 hoặc khoản 5 của các điều luật này), Chánh án cho rằng cần bỏ cấu thành cơ bản thứ 2 vì nếu giữ cả 2 cấu thành trong điều luật thì không hợp lý và không khoa học. Quy định như vậy cũng tạo ra cho Tòa án những khó khăn khi định lượng, định tội, dễ tạo ra sự tùy nghi trong định lượng, định tội dẫn tới thiếu công bằng, dư luận nghi ngờ vì có sự cao, thấp, nặng, nhẹ khác nhau trong quá trình xét xử.

Trước đó, các ý kiến trong UBTP cũng cho rằng, bỏ cấu thành này để hạn chế việc hình sự hóa quá rộng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp.

Về vấn đề xử lý hình sự đối với pháp nhân, Chánh án TANDTC cho hay, đây là điểm mới và có ý kiến khác nhau, tuy nhiên đây là thông lệ quốc tế mà Việt Nam cũng đã tham gia nhiều Điều ước quốc tế về pháp nhân. Do vậy, quy định như dự thảo là hợp lý. Chánh án cũng đồng ý với quan điểm của UBTP là bổ sung tội danh Tài trợ khủng bố và Rửa tiền vào dự thảo Luật về tội phạm do pháp nhân thực hiện để phù hợp với cam kết của Việt Nam và phù hợp với khuyến cáo của nhiều tổ chức quốc tế.

Một vấn đề nữa được Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề cập đến là khoảng cách trong mỗi khung hình phạt là 3, 5, hay 7 năm…, khác nhau. Nếu để khoảng cách quá rộng như vậy sẽ tạo sự tùy nghi trong xử lý hình sự. Vì vậy cần có khoảng cố định (5 năm chẳng hạn) để dễ dàng xử lý, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.

UBTVQH cho ý kiến về BLHS 2015: Bổ sung tội danh “Tài trợ khủng bố” và “Rửa tiền”

UBTVQH thảo luận về BLHS 2015

Về quy định giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt, dự thảo Bộ luật quy định một số loại hàng cấm có thể liệt kê được thì xác định theo số lượng hoặc khối lượng, còn những loại chưa được liệt kê thì xác định theo giá trị.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cân nhắc việc quy định phải định giá trị để định lượng, định tội. Đây là vấn đề còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, nhất là cơ quan tố tụng khi căn cứ định tội. Ví dụ, yêu cầu giám định sừng tê giác,…có giá trị ngầm có thể rất cao, nhưng không có căn cứ gì để xác định giá trị. Nếu quy định việc định giá hàng cấm làm cơ sở cho định tội là rất khó khăn trong xử lý tội phạm. Hàng giả cũng vậy, khi bán trên thị trường lừa được người mua thì có giá rất cao, nhưng không lừa được thì không có giá trị gì, nên rất khó khăn trong định giá.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nêu quan điểm, sừng tê giác chỉ có thể định lượng, chứ không thể định giá vì giá trị chỉ là thỏa thuận ngầm, không ai khẳng định được giá trị thực tế là bao nhiêu.

Cần phải có tổng kết cụ thể về tội phạm vị thành niên

Với các tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự, UBTP đề nghị giữ nguyên quy định của BLHS 2015. Theo đó, thu hẹp phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, những người này chỉ phải chịu TNHS giới hạn trong 28 tội danh dã được liệt kê trong BLHS 2015. Đồng thời, UBTP cũng trình UBTVQH hai phương án về phạm vi chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi với ba tội Cố ý gây thương tích, Hiếp dâm và Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Phương án 1 là giữ nguyên như quy định của BLHS 2015 là những người này phải chịu TNHS về cả tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Phương án hai là chỉ chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, Công ước Liên Hiệp quốc quy định tuổi trẻ em là 18 tuổi. Từ quan điểm của Unicef thì dưới người dưới 18 tuổi nhận thức hành vi chưa hoàn chỉnh. Việc giáo dục trẻ em của chúng ta chưa được tốt, trong khi đối với trẻ em, cần phải giáo dục để làm gương, sử dụng “đòn roi” sẽ không hiệu quả. Hơn nữa trẻ em sống trong môi trường trại giam liệu có cải tạo tốt hơn hay không?

Vì vậy, ông Bình đề nghị cần nghiên cứu sâu hơn đối với các trường hợp vi phạm hình sự của các em và có những thống kê cụ thể về vấn đề này. Những số liệu này sẽ là cơ sở để thuyết phục hơn trong phương án xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội. Ông cũng đồng tình với phương án hai là “chỉ chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng”.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến ủng hộ phương án 2. Ông nhấn mạnh, BLHS năm 2015 có một bước tiến mới, đó là thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Bộ đã đề xuất là người từ 14 đến dưới 16 chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi cố ý. Thống kê trong Bộ luật là có 28 tội, nhưng theo lý giải của UBTP thì chưa kỹ. Bộ Công an, VKS, Tòa án là những cơ quan có liên quan trực tiếp đến thi hành BLHS, nên cần chỉ đạo rà soát kỹ, phải đối chiếu với BLHS 1999 để so sánh đến 2015 và đến hiện nay để xem có gì đạt, có gì chưa đạt, có gì còn vướng mắc để sửa đổi, ông nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo mời các chuyên gia đầu ngành, các Thẩm phán…kiểm tra, xem xét và có đánh giá thật kỹ nội dung các quy định của BLHS 2015 kỹ càng một lần nữa. Còn những vấn đề có ý kiến khác nhau cần tiếp tục thảo luận, tiếp thu trước khi trình ra Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
UBTVQH cho ý kiến về BLHS 2015: Bổ sung tội danh “Tài trợ khủng bố” và “Rửa tiền”