Tổng Kiểm toán Nhà nước: Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư

Ngọc Mai| 29/05/2020 09:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chi thường xuyên ở mức cao và cao hơn mục tiêu kế hoạch; Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư là những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018 được trình bày tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 28/5.

Chi NSNN ở mức cao và cao hơn mục tiêu kế hoạch

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, về thu NSNN, dự toán thu nội địa Chính phủ giao tăng 8,73% so với ước thực hiện năm 2017, song tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa bảo đảm mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định. Quyết toán thu NSNN 1.431.662 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán và bằng 110,7% thực hiện năm 2017, song kết quả tăng thu chủ yếu từ thu tiền sử dụng đất 61.715 tỷ đồng, thu trước hạn lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp 15.999 tỷ đồng…

Tổng Kiểm toán Nhà nước: Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...

Về chi NSNN, dự toán chi NSNN 1.523.200 tỷ đồng, quyết toán 1.435.435 tỷ đồng, bằng 94,2% dự toán giao. Trong đó: Quyết toán chi đầu tư phát triển 393.303 tỷ đồng, bằng 27,4% tổng chi NSNN; Quyết toán chi thường xuyên 931.858 tỷ đồng, giảm 4,4% so với dự toán, bằng 64,9% tổng số chi NSNN, vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (dưới 64% tổng chi NSNN).

Kết quả kiểm toán cho thấy: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2018 nguồn NSNN 05 lần sau ngày 20/12/2017; bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đúng đối tượng, thứ tự ưu tiên; giao vốn dự phòng NSTW hỗ trợ cho một số dự án chưa phù hợp quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Luật NSNN. Giao kế hoạch vốn ngoài nước cho 04 Dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư không đúng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định; 15/45 địa phương ứng trước dự toán NSTW nhưng chưa bố trí để thu hồi, còn 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi; tạm ứng sai quy định; NSĐP tạm ứng từ NSTW kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi.

Về bội chi NSNN và kết dư NSĐP, theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 Chính phủ trình Quốc hội, Bội chi NSNN bằng 2,8% GDP thực hiện, kết dư NSĐP bằng 46,8% tổng số bổ sung từ NSTW cho NSĐP, trong đó 47/47 địa phương được bổ sung cân đối đều có kết dư NSĐP bằng 14,4% số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP.

Về nợ công, dư nợ công đến 31/12/2018 bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ Chính phủ bằng 49,9% GDP thực hiện. Dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN. Bên cạnh đó, còn tồn đọng một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, không trả nợ đúng hạn, để quá hạn, phải khoanh nợ; năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 02 dự án Chính phủ.

Nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư

Tại Báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...

Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này, nổi bật là: Cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của Nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho Nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập.

Công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như: Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện; nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; hầu hết các bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA...

Đặc biệt, qua kiểm toán đối với các dự án sử dụng nguồn vốn tập đoàn, tổng công ty đối với Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) và nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước còn cho thấy nhiều sai phạm, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc NSTƯ đạt thấp; còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; giao dự toán và đưa vào quyết toán chi thường xuyên một số nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản; còn 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 17/45 địa phương được kiểm toán báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang hoặc xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương; một số đơn vị tại 37/45 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 37/45 địa phương chưa hoàn trả NSTW kinh phí bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Bộ Tài chính tổng hợp đưa vào quyết toán NSNN năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2016-2018 còn vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện; không đồng bộ về quy định pháp lý đối với tổ chức bộ máy nhân sự, cơ chế quản lý tài chính, cơ chế góp vốn, sử dụng tài chính, tài sản công của các trường đại học công lập và hầu hết các Bệnh viện chưa được quyền chủ động trong công tác tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức; tình trạng thu vượt trần học phí, thu vượt, thu sai viện phí và thu các khoản chưa có trong quy định diễn ra khá phổ biến.

Bổ sung báo cáo mức độ, kết quả xử lý các sai phạm trong sử dụng NSNN

Báo cáo Thẩm tra quyết toán NSNN năm 2018 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, về thu NSNN vượt dự toán 8,5% thể hiện những diễn biến khả quan của tình hình kinh tế, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp. Tuy nhiên còn một số vấn đề sau cần lưu ý, đó là nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự bền vững, cơ cấu thu chuyển dịch chậm, khó đạt mục tiêu của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020; tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn vẫn chưa được khắc phục.

Liên quan vấn đề chi NSNN, Báo cáo cho rằng năm 2018, Chính phủ đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp trong tổ chức điều hành dự toán chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi, tích cực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chống lãng phí, bám sát mục tiêu, dự toán được giao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, Công tác lập, giao dự toán còn chưa sát thực tế, tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Giải ngân vốn đầu tư không đạt kế hoạch; quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định vẫn diễn ra; thu hồi vốn tạm ứng còn chậm. Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên còn chậm, cơ cấu chi thường xuyên chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra. Chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, có xu hướng gia tăng, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Về bội chi NSNN là 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP, giảm 50.889 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định, thể hiện sự nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bội chi giảm chủ yếu là do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm, không thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay nên Chính phủ cần lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành NSNN. Đối với quản lý nợ công, năm 2018, Chính phủ đã tích cực triển khai các biện pháp cơ cấu lại nợ công, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất huy động vốn trái phiếu chính phủ, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước và trong giới hạn Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, dư nợ công năm 2018 tiếp tục tăng thêm.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị Quốc hội chấp thuận, quyết định, phân bổ chi tiết cho 33 bộ, ngành khoản tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại 5.370.580 triệu đồng và cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo quy định. Điều chỉnh giảm dự toán chi thường xuyên, tăng dự toán chi đầu tư phát triển của Bộ Tài chính 1.991.061 triệu đồng. Cho phép quyết toán NSNN năm 2018 khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (số đã giao kế hoạch 790 tỷ đồng).  Cho phép quyết toán NSNN năm 2018 theo các phụ lục đính kèm Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 của Chính phủ.

Sau khi Quốc hội quyết định các nội dung trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với Kiểm toán nhà nước và Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018 như sau: tổng số thu cân đối NSNN là 1.880.029.177 triệu đồng (bao gồm cả số thu chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018, thu kết dư NSĐP năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN); Tổng số chi cân đối NSNN là 1.869.791.887 triệu đồng (bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019); Bội chi NSNN là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP); nguồn bù đắp bội chi NSTW gồm: vay trong nước 110.689.303 triệu đồng; vay ngoài nước 42.421.100 triệu đồng. Tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề hồ sơ của quyết toán NSNN năm 2018 chưa có báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017. Tồn tại này đã xảy ra nhiều năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhắc nhở song Chính phủ chưa chỉ đạo kiên quyết để khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, từ tình hình trên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách kiến nghị Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 theo khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 77/2019/QH14 của Quốc hội; không để tình trạng thiếu báo cáo theo yêu cầu của Quốc hội xảy ra ở các năm sau. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư