Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không phải là kiêm nhiệm, nhất thể hóa

Trọng Bằng| 09/10/2018 09:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, làm rõ thêm việc Trung ương giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội diễn ra chiều 8/10.

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không phải là kiêm nhiệm, nhất thể hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội).

Ngày 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, thông báo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Đặc biệt các vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của cử tri như: Quy định về trách nhiệm nêu gương và lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, đảng viên; Trung ương giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước đã được Tổng Bí thư giải đáp cụ thể tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Lấy tín nhiệm trong Đảng là cách giám sát rất mới

Tại các cuộc tiếp xúc, đa số cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ 9 nội dung cần nêu gương, 9 nội dung cần nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống, nhằm nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Cử tri mong rằng, mỗi cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng về mọi mặt, cần kiệm liêm chính chí công vô tư, để nhân dân tin yêu, mến phục.

Về vấn đề này, Tổng Bí thư chỉ rõ lần này Ban Chấp hành Trung ương thống nhất việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương, tất cả cán bộ đảng viên đều phải làm, nhưng trước hết là các ông lãnh đạo cao nhất, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên ban Bí thư, gần 200 ông Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Đảng đã có nhiều quy định, quy chế, 19 điều đảng viên không được làm, 27 biểu hiện suy thoái mọi người đều phải chống. Bác Hồ đã nói: “Một tấm gương sống bằng hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền.”

Tất cả cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, trước hết là người đứng đầu, cách đây 2 năm Bộ Chính trị ban hành quy định về việc này rồi.

Lần này nâng lên Ban Chấp hành Trung ương ban hành, vị trí lớn hơn, thẩm quyền cao hơn, tính chất quan trọng hơn nhiều. Đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương nêu gương thực hiện các điều đã có, “nếu không gương mẫu làm cán bộ làm gì.”

Mỗi cán bộ, đảng viên đều phải cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải làm công bộc của dân, gánh vác công việc chung cho dân, không được đè đầu cưỡi cổ nhân dân, “cán bộ càng cao càng phải nêu gương,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Mọi cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện những quy định đã có, nhưng lần này nhấn mạnh trách nhiệm gần 200 đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng phải gương mẫu làm trước, Trung ương đã thảo luận và thống nhất rất cao.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng ta quy định thẳng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương phải gương mẫu, từng đồng chí phải soi vào, làm gương để cho nơi khác làm theo.

Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV là kỳ họp cuối năm nên có rất nhiều việc. Ngoài việc chất vấn, trả lời chất vấn thì còn vấn đề lớn là đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018, phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, công tác quản lý lãnh đạo điều hành, ngoài ra còn lấy phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu.

Trên cơ sở phiếu tín nhiệm của Quốc hội, cuối năm nay, Trung ương Đảng họp và lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng. “Đây là cách giám sát rất mới, là dịp để nhắc nhở, động viên và cũng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe đối với tất cả các cán bộ kể cả bên Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hệ thống chính trị nói chung”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không phải là kiêm nhiệm, nhất thể hóa

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri phấn khởi trước những thành công của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa qua, các nội dung được bàn thảo tại Hội nghị đều mang tính thời sự trọng đại đối với sự phát triển bền vững đất nước, đối với công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ.

Cử tri bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình ủng hộ việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, tại kỳ họp sắp tới, đó là “Lòng dân, ý Đảng đồng thuận.”

Cử tri Nguyễn Hồng Toán cho rằng, đề xuất này của Trung ương khiến cử tri và nhân dân rất phấn khởi bởi “đây là vấn đề quan trọng, phù hợp với Hiến pháp, đáp ứng mong mỏi của toàn dân, cử tri cả nước”.

Theo ông Toán: “Tổng Bí thư là người mang đầy đủ các yếu tố sâu sắc, rất khoa học và rất văn hóa. Đồng chí là người cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, nhân dân; là người khiêm nhường, rất mực trong sạch, luôn làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng rất gần gũi với nhân dân. Đồng chí là người xuất sắc về lý luận cách mạng, luôn gắn với Chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh để đưa ra đường lối đối nội, đối ngoại, chính sách quốc gia”.

Hơn nữa, trong những năm qua, Tổng Bí thư đã đưa ra nhiều đường lối, nghị quyết, chủ trương trong công tác xây dựng Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; Đã dấy lên công cuộc phòng chống tham nhũng và làm rất quyết liệt.

“Tổng Bí thư được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước là hoàn toàn xứng đáng. Cử tri rất phấn khởi”, ông Toán bày tỏ..

Đáp lại sự tin tưởng, đồng tình rất cao của cử tri đối với việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, người đứng đầu Đảng ta chia sẻ, ông cảm ơn các cử tri đã ủng hộ, tán thành với đề xuất của Trung ương.

Theo Tổng Bí thư, trước đây, Bác Hồ đồng thời làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, sau đó tách ra. Bây giờ là tình huống. Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo, các giáo sư, bác sỹ trong và ngoài nước đã hết lòng cứu chữa nhưng không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này, phải có người làm ngay.

Không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì như vậy, nhưng không đúng nghĩa, đây là 2 cơ chế khác nhau, 2 cơ quan khác nhau, nói kiêm thì vai nào chính vai nào phụ. Cũng không nên nói nhất thể hóa, mà là bầu ông này để làm hai việc này.

“Việc này tất cả Trung ương đồng ý và bước đầu dư luận trong nước, quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn, còn tuỳ thuộc vào kết quả Quốc hội bầu”, Tổng Bí thư cho biết thêm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không phải là kiêm nhiệm, nhất thể hóa