Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý 2 vấn đề quan trọng phục vụ Đại hội XIII của Đảng

Trọng Bằng| 17/05/2019 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chuẩn bị đề cương các văn kiện và đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là hai nội dung quan trọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, gợi mở để Trung ương thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 10.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý 2 vấn đề quan trọng phục vụ Đại hội XIII của Đảng

Sáng 16/5, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc Hội nghị.

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến đối với các nội dung chương trình được Trung ương thông qua, đó là Hội nghị sẽ bàn về các nội dung: Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Về chuẩn bị đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, theo quyết định của Trung ương, đã thành lập các tiểu ban để chuẩn bị các văn kiện.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích cụ thể: "Nói văn kiện là nói chung, văn bản có nhiều. Văn kiện trung tâm là Báo cáo chính trị. Cùng với Báo cáo chính trị thì sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991-2021) thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để  định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó.

Nói Báo cáo chính trị là trung tâm không có nghĩa là chỉ có Báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị nêu toàn diện tất cả các vấn đề trên tất cả các lĩnh vực, làm định hướng có tính đường lối, có tính chính trị để sắp tới triển khai các công việc.

Cùng với Báo cáo chính trị có Báo cáo tổng kết Cương lĩnh; có 2 báo cáo chuyên đề quan trọng. Một là, Báo cáo về kinh tế-xã hội. Đặc biệt lần này, chúng ta tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ năm 2011-2020 để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm tới. Kinh tế là trung tâm, lâu nay thường có Báo cáo kinh tế-xã hội nhưng là Báo cáo chuyên đề, nó không trùng với Báo cáo chính trị, nó phải cụ thể hơn. Báo cáo chuyên đề thứ 2 rất quan trọng là Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và việc thi hành Điều lệ Đảng, để xem xét có cần thiết phải sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội sắp tới hay không? Nếu có sửa thì chúng ta phải tổng kết. Nhưng Báo cáo kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt cũng là 2 báo cáo chuyên đề đi sâu vào 2 lĩnh vực khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng. Nội dung các Báo cáo này không được trái với Báo cáo chính trị, phải theo Báo cáo chính trị, nhưng lại không nhắc lại Báo cáo chính trị một cách chung chung, có điều kiện nói cụ thể hơn".

Từ những phân tích trrên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, các văn kiện trình ra Đại hội XIII là rất quan trọng, trong đó trung tâm là Báo cáo chính trị. Chính vì thế, Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban, chứ không phải chỉ có một tiểu ban, đó là Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh. Tiểu ban Kinh tế-Xã hội thì vừa làm báo cáo kinh tế để phục vụ cho Báo cáo chính trị, đồng thời chủ yếu tập trung tổng kết thực hiện chiến lược kinh tế-xã hội 10 năm qua và xây dựng chiến lược 10 năm tới.

Cũng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, "nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021-2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước. Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. Vừa qua họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình. Đồng thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn ra ví dụ: "Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó. Hay bây giờ nói kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào? Công hữu, tư hữu, hỗn hợp… Các thành phần kinh tế thì có nhà nước, tập thể, tư nhân, sở hữu hỗn hợp, có đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh, nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt.

Hôm qua tôi có nói: Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Chốt lại vấn đề này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đề cương các văn kiện trình Hội nghị lần này mới nêu định hướng, có tính chất mở với nhiều phương án khác nhau để Trung ương thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo, lựa chọn một bước, sau đó tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị theo quy trình, qua các bước đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và lấy ý kiến nhân dân, cuối cùng Trung ương sẽ quyết định để trình ra Đại hội đại biểu toàn quốc. Riêng về kết cấu của các báo cáo thì cần được quyết định sớm ngay tại Hội nghị này để kịp hoàn chỉnh dự thảo Đề cương và biên soạn nội dung chi tiết. Về cách viết cũng nên có sự đổi mới sao cho sinh động, ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị cần ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Đây là công việc hết sức quan trọng, bảo đảm thành công của đại hội đảng bộ các cấp và góp phần cho thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy cần được các đồng chí Trung ương cho ý kiến.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị khóa XI về vấn đề này; khẳng định những kết quả, bài học kinh nghiệm cần được kế thừa, phát huy; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết cần rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh; xác định rõ những vấn đề thực tế đặt ra nhưng chưa có quy định, cần bổ sung thêm. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chỉ thị mới trình Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến để hoàn chỉnh trước khi ban hành.

"Đề nghị các đồng chí quan tâm thảo luận thật cụ thể về Tờ trình và dự thảo Chỉ thị, tập trung làm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung đại hội đảng bộ các cấp và công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy, đặc biệt là yêu cầu về phẩm chất, năng lực, cơ cấu, số lượng cấp ủy các cấp; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc; độ tuổi tham gia cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và về bầu cử cấp ủy...", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý 2 vấn đề quan trọng phục vụ Đại hội XIII của Đảng