Tòa án cần quan tâm những vấn đề bức xúc của xã hội để đẩy nhanh xét xử

Trọng Bằng| 18/04/2018 18:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý nội dung trên tại cuộc làm việc với lãnh đạo TANDTC để đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp công tác diễn ra chiều nay (18/4).

Tòa án cần quan tâm những vấn đề bức xúc của xã hội để đẩy nhanh xét xử

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc

Chiều 18/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với lãnh đạo TANDTC để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết liên tịch số 15 ngày 31/3/2010 về phối hợp công tác giữa Chính phủ với TANDTC, Viện KSNDTC trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

Tham dự có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành, TP. Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Chính phủ và TANDTC được triển khai thường xuyên, chặt chẽ trên nhiều mặt như xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật; trao đổi, cung cấp thông tin; bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, kinh phí hoạt động; phối hợp trong việc giải quyết các vụ án hình sự; vụ việc dân sự và các việc khác theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, các dự án luật Chính phủ chủ trì xây dựng đều tham khảo ý kiến của Tòa án và ngành Tòa án đều tích cực tham gia. Và một số luật gần đây để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội có nhiều nội dung thuộc phạm vi hướng dẫn của Tòa án như giải quyết nợ xấu, khắc phục nợ đọng bảo hiểm.

Dựa trên thực tiễn xét xử, như xét xử các vụ án về ngân hàng, Tòa án có nhiều kiến nghị, góp ý về việc xây dựng cơ chế, chính sách, phòng chống tội phạm.

Chánh án TANDTC cũng cảm ơn Chính phủ mời tham dự các phiên họp thường kỳ; tạo điều kiện, hỗ trợ ngành Tòa án trong đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng Học viện Tòa án.

Nêu khó khăn cấp thiết hiện nay là cơ sở vật chất, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, nhiều trụ sở Tòa án xuống cấp. Theo chủ trương cải cách tư pháp, mô hình phòng xét xử phải thay đổi, như phòng xét xử về hôn nhân gia đình phải khác phòng xét xử hình sự, phải thân thiện hơn. Để làm điều này, Tòa án kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, cho rằng cải cách tư pháp lấy Tòa án làm trung tâm theo tinh thần Nghị quyết 49, Thủ tướng nhìn nhận, Tòa án có chuyển biến tích cực. “Phiên tòa giờ khác trước nhiều lắm, như tranh tụng tại tòa không hạn chế thời gian, các loại Tòa án theo thông lệ quốc tế, rồi vấn đề công khai, minh bạch, cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân giám sát…”, Thủ tướng nói. Các cơ quan quốc tế đánh giá rất cao các cải cách trong hệ thống Tòa án Việt Nam.

Về thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và TANDTC, Thủ tướng cho biết, Tòa án đã tham gia cùng Chính phủ xử lý giải quyết khiếu nại đông người kéo dài; tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật. Công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật của Tòa án có nhiều đổi mới, nhất là huy động trí tuệ, tâm huyết của những người đã và đang công tác trong hệ thống TAND, các nhà khoa học pháp lý.

“Có thể nói, công tác phối hợp giữa TAND và Chính phủ được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong thi hành án dân sự, xây dựng pháp luật, hướng dẫn pháp luật, công tác tương trợ tư pháp…”, Thủ tướng nêu rõ. Chính phủ luôn tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp trong thực hiện Nghị quyết 49 có kết quả, đặc biệt là về cải cách tư pháp, trong đó có xây dựng cơ sở vật chất ngành Tòa án.

Về những phương hướng cụ thể để đẩy mạnh hợp tác giữa Chính phủ và TANDTC trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị hai cơ quan thực hiện quy chế phối hợp mang tính thường xuyên, chặt chẽ hơn, trong đó, có vấn để đẩy mạnh công tác hòa giải trong giải quyết vụ án dân sự, rồi vấn đề xét xử lưu động để giáo dục, phổ biến pháp luật trong tình hình hiện nay.

Thủ tướng cho rằng, cần sớm khởi tố đúng pháp luật hành vi đánh bác sĩ trong bệnh viện gần đây. Nếu những vụ việc như vậy được xét xử nhanh, lưu động sẽ có tính giáo dục rất tốt. Thủ tướng đề nghị TANDTC quan tâm những vấn đề lớn của dư luận xã hội, bức xúc của xã hội để thúc đẩy xét xử nhanh hơn.

Nêu rõ đào tạo là một chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, cần làm tốt công tác đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo nâng ngạch Thẩm phán, các chức danh tư pháp. Đầu tư xây dựng trụ sở, nâng cấp trang thiết bị làm việc của Tòa án các cấp theo yêu cầu cải cách tư pháp phù hợp với điều kiện phát triển đất nước. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách tư pháp một cửa, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong quản lý điều hành để làm sao “Chánh án, Thẩm phán, có thể ngồi đây mà xem xét được tất cả các hoạt động của Tòa án mà không phải đi lại vất vả”.

Trước kiến nghị của TANDTC, Thủ tướng thể hiện sự ủng hộ, khẳng định sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ Tòa án trong đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tòa án cần quan tâm những vấn đề bức xúc của xã hội để đẩy nhanh xét xử