Vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 tại Gia Lai: Không loại trừ xử lý về mặt pháp luật

Mạnh Cường| 05/08/2014 22:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 5-8, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai và các Sở, ngành liên quan xung quanh việc xử lý sự cố vỡ đập đê quây Ia Krel 2 ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai).

Vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 tại Gia Lai: Không loại trừ xử lý về mặt pháp luật

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Sáng nay, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng Đoàn công tác của Bộ Công thương và các Sở, ngành, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã tiến hành kiểm tra, xem xét tại khu vực thi công đê quây của thủy điện Ia Krel 2 và vùng hạ du bị thiệt hại. Buổi chiều, Đoàn công tác của Bộ Công thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai cùng các Sở, ngành liên quan về sự cố vỡ đê quây công trình thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) và một số nội dung liên quan đến công trình thủy điện An Khê - Ka Nak.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai với Đoàn công tác, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 1-8-2014, tại khu vực đê quây thượng lưu đập chính công trình thủy điện Ia Krel 2 đã xảy ra sự cố vỡ đê quây làm toàn bộ lượng nước trong lòng hồ tràn xuống vùng hạ lưu. Ngay sau khi nhận tin báo, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu UBND huyện, các ngành chức năng và chủ đầu tư tổ chức bảo vệ hiện trường, cắm biển báo nguy hiểm, cử người canh gác bảo vệ tại khu vực, khẩn trương kiểm tra toàn bộ vùng hạ lưu, sơ tán người dân đến khu vực an toàn, hỗ trợ kịp thời những nhu cầu bức thiết của người dân tại vùng ảnh hưởng. Đồng thời, giao Sở Công thương, Công an tỉnh chủ trì cùng các Sở, ngành tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc để xảy ra sự cố vỡ đê quây tại khu vực đập chính, đề xuất hướng xử lý, khắc phục theo đúng quy định.

Vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 tại Gia Lai: Không loại trừ xử lý về mặt pháp luật

 Vùng hạ du bị tàn phá nặng nề do vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2

Nguyên nhân ban đầu mà các Sở, ngành và UBND tỉnh Gia Lai xác định là do chủ đầu tư là Công ty CP công nghiệp và thủy điện Bảo Long - Gia Lai đã không tuân thủ quy trình, quy định về thiết kế tổ chức thi công và không thực hiện chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều đáng nói ở đây chủ đầu tư đã tiến hành thi công đê quây công trình khi chưa được sự cho phép của tỉnh. Khi phát hiện, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ và chỉ được phép thi công khi được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Khi thi công phải đảm bảo kênh dẫn dòng đủ kích thước để thoát nước, nếu kênh dẫn dòng đã thi công đủ chiều rộng theo thiết kế mà vẫn không đảm bảo thoát nước thì phải tháo dỡ đê quây thượng lưu và tháo hết nước trong hồ chứa để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Vậy nhưng chủ đầu tư đã bất chấp các quy định về xây dựng cơ bản, an toàn hồ đập, không thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.

Ở nội dung khác, đơn vị tư vấn thiết kế công trình đã cảnh báo thời gian xây dựng đê quây chỉ thực hiện trong tháng mùa khô từ tháng 4 đến tháng 6 nhưng chủ đầu tư không tuân thủ. Đơn vị giám sát, đơn vị thi công không thực hiện đúng chức năng giám sát và không tuân thủ thiết kế thi công. Mặt khác, Sở Công thương tỉnh Gia Lai là đơn vị quản lý nhưng khi phát hiện sai phạm đã không kiên quyết xử lý, du di cho chủ đầu tư tiếp tục thi công, tích nước.

Vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 tại Gia Lai: Không loại trừ xử lý về mặt pháp luật

Ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai: Tôi xin nhận khuyết điểm.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Ngọc Tục, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai thừa nhận: “Với trách nhiệm của Sở Công thương, chúng tôi đã có 7 lần kiểm tra, nhắc nhở chủ đầu tư thi công nhưng chưa cương quyết xử lý. Với cương vị lãnh đạo, tôi xin nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng, UBND tỉnh Gia Lai để xảy ra sự cố trên”.

Sau khi kiểm tra tại hiện trường, Vụ trưởng Vụ thủy điện - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) Đỗ Đức Quân đánh giá: “Qua kiểm tra thực tế, chất lượng công trình đập đất được đắp từ đầu (đập cũ bị vỡ - PV) và đập tràn cho thấy công tác quản lý chất lượng cũng có vấn đề, chưa kể là chủ đầu tư chưa tuân thủ các quy định của pháp luật trong đầu tư xây dựng cơ bản”. Đồng thời, Vụ trưởng Đỗ Đức Quân đề nghị phải xem xét, làm rõ sự tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư, các bên liên quan khi để xảy ra sự cố vỡ đập lần 1 và vỡ đê quây lần 2 của thủy điện Ia Krel 2.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đánh giá: Qua sự cố vỡ đê quây công trình thủy điện Ia Krel 2, chúng ta thấy rõ việc không nghiêm túc thực hiện các quy định về xây dựng cơ bản. Dù quy mô công trình nhỏ (5,5MW), nhưng khi xảy ra sự cố ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân vùng hạ du và cũng phải xử lý, khắc phục đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cần phải xử lý nghiêm túc, khẩn trương và là bài học răn đe với các chủ đầu tư khác. Trước mắt cho tạm dừng công trình, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, giám sát, thi công và kể cả các đơn vị tham mưu cho tỉnh. UBND tỉnh Gia Lai phải làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, xử lý nghiêm túc và không loại trừ xử lý về mặt pháp luật. Các Sở, ngành địa phương tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng thống kê thiệt hại để chỉ đạo chủ đầu tư đền bù, hỗ trợ thỏa đáng, đúng người, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Liên quan đến thiệt hại do vỡ đập đê quây Ia Krel 2, đến thời điểm hiện nay theo thống kê của UBND xã Ia Dom, con số thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với nhận định ban đầu. Hiện đã có hơn 400 ha cây trồng gồm cao su, cà phê, hồ tiêu, lúa nước… của gần 200 hộ dân phía hạ nguồn thủy điện Ia Krel 2 bị thiệt hại không thể khôi phục. Bên cạnh đó, 60 ha cao su của Công ty cao su 72 thuộc Tổng Công ty 15 bị ngập nước, trong đó 30ha bị gãy, đổ hoàn toàn. Ứơc tính, tổng thiệt hại do vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 lên đến hàng tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ vỡ đê quây thủy điện Ia Krel 2 tại Gia Lai: Không loại trừ xử lý về mặt pháp luật