Sáp nhập các ngân hàng thương mại để mạnh hơn

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo khi tiến hành tái cấu trúc ngân hàng là đánh chuột không để vỡ bình, diệt rầy không hại đến lúa”, “Sẵn sàng đảm bảo quyền lợi của người dân khi Nhà nước tiến hành sắp xếp, cải tổ hệ thống ngân hàng”.


Quan điểm của Đảng, Chính phủ là luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu trong các giai đoạn nền kinh tế gặp biến cố, trong đó có hoạt động cải cách hệ thống ngân hàng tài chính từ 2001 đến 2005. Điều đó khiến người gửi tiền ở ngân hàng có thể yên tâm, trong mọi tình huống, đồng tiền của họ sẽ được bảo vệ.

Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa là một trong 3 nhà băng được chấp nhận hợp nhất tự nguyện. Ảnh: Tuệ Minh.

Thực tế trong nhiều năm gần đây, đang có tình trạng một “ông chủ” nhưng sở hữu tới 3, 4 ngân hàng. Tình trạng này dẫn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng không minh bạch, tiềm ẩn nhiều bất ổn cho thị trường và gây khó khăn cho công tác quản lý. Ví như tình trạng vay vốn lẫn nhau và phối hợp “thổi” giá trên thị trường liên ngân hàng để ngân hàng mẹ kiếm lợi, gây bất ổn cho hoạt động chung của thị trường. Thị phần của các ngân hàng này chủ yếu tập trung vào tín dụng khu vực bất động sản và chứng khoán, có những đơn vị, dư nợ tín dụng phi sản xuất tới 70 - 80%/tổng dư nợ, thậm chí trở thành kênh dẫn vốn cho “tín dụng đen”.


Trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại, việc sáp nhập về một mối là tất yếu. Tuy nhiên, tái cơ cấu không chỉ dừng lại ở việc sáp nhập. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tiếp tục củng cố, tái cơ cấu lại hoạt động và làm lành mạnh hóa bảng tài sản của các ngân hàng này.


Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối.


Việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.


Hiện nay, nhiều ngân hàng thuộc diện sáp nhập đã sẵn sàng. Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng có nguyện vọng sáp nhập, hợp nhất. Còn người dân thì kỳ vọng vào một hệ thống ngân hàng, “xương sống” của nền kinh tế khỏe mạnh hơn sau khi tái cấu trúc.


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáp nhập các ngân hàng thương mại để mạnh hơn