Những người làm báo cần đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Báo chí

Ngọc Mai| 12/11/2014 20:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng ngày 12/11, tại Hà Nội.

Quy định trả lời trên báo chí chưa được thực hiện nghiêm

Theo Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, qua 15 năm thi hành, Luật Báo chí đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được đảm bảo và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn, việc thi hành Luật Báo chí trên thực tế vẫn còn những hạn chế. Một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của phóng viên, nhà báo, thậm chí, có người quá khích còn hành hung nhà báo.

Những người làm báo cần đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Báo chí

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự và phát biểu tại Hội nghị

Phản ánh này của Thứ trưởng cũng trùng với Báo cáo tổng kết của Bộ Thông tin - Truyền thông khi đề cập đến tình trạng bất cập, liên quan đến các quy định về trách nhiệm trả lời trên báo chí của các cơ quan chức năng, người có chức vụ. Mặc dù, Nghị định 51 của Chính phủ ban hành năm 2002 đã có quy định trách nhiệm, trả lời chậm nhất trong 30 ngày khi nhận được ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo... của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát, nhưng việc chấp hành quy định này rất hạn chế.

Báo cáo cho biết, giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho thấy, việc trả lời trên báo chí của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện nghiêm túc. Năm 2013, chỉ khoảng 30% tổng số đơn thư do Đài Truyền hình TP.HCM chuyển đi được các cơ quan chức năng xử lý, của Báo Thanh Niên là 27,8%, Báo Pháp luật TP.HCM là 25%, Báo Tuổi trẻ là 22%.

Giảm thuế với báo chí điện tử

Sau 15 năm thi hành Luật, báo chí nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng ấn phẩm, số kênh phát thanh, truyền hình, loại hình và chất lượng thông tin, nguồn nhân lực và kinh tế báo chí:

Tính đến ngày 31/12/2013, báo in, có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm. Trong đó, có 199 cơ quan báo chí in chiếm 24% (86 báo Trung ương và các Bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và 639 tạp chí chiếm 76% (507 tạp chí Trung ương, các Bộ, ngành, các trường đại học và các viện nghiên cứu...,132 tạp chí địa phương).

Về báo điện tử, có 90 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Trong đó, có 40 cơ quan báo chí điện tử thuộc cơ quan Trung ương và các Bộ, ngành; 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc địa phương và 26 cơ quan báo chí điện tử trực thuộc các cơ quan đoàn thể.

Tuy nhiên, sự phát triển này chưa hẳn đã là điều mừng, nhất là trong bối cảnh kinh tế sa sút hiện nay, không chỉ các tờ báo in bị khủng hoảng một cách trầm trọng, không ít tờ báo in đã phải cắt giảm số lượng và kỳ xuất bản, mà ngay chính báo điện tử - loại hình được cho là xu hướng của báo chí hiện đại, cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Trước thực trạng này, lãnh đạo nhiều báo đề xuất ý kiến:

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên – Tổng biên tập báo CAND, hiện nay, chi phí đầu vào của các cơ quan báo chí ngày một tăng, trong khi nguồn thu lại giảm mạnh, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần xem xét biện pháp hỗ trợ cụ thể cho hoạt động kinh tế của báo chí.

Ông Nguyễn Đình Chúc, phó TBT báo Lao động, báo chí hiện tại có hai nguồn thu chính từ quảng cáo và phát hành, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nói chung, hai nguồn thu này đang bị giảm đáng kể. Từ đó, ông Chúc đề xuất, luật sửa đổi cần mở rộng thêm các loại hình hoạt động tài chính khác, liên quan để trợ giúp các cơ quan báo chí.

Cụ thể về mức thuế với báo chí, ông Chúc cho rằng, dù Chính phủ đã có nhiều ưu ái và hỗ trợ nhưng vẫn chưa đủ khi mức thuế áp với báo in đã giảm, nhưng báo điện tử và các loại hình báo chí khác vẫn chưa thay đổi, khiến các cơ quan gặp nhiều khó khăn. “Đề nghị xem xét giảm thuế với báo chí điện tử thấp hơn cả báo in, ví dụ ở mức 0%, bởi thực tế, báo điện tử thậm chí còn đang khó khăn hơn cả báo in, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn” ông Chúc nói.

Những người làm báo cần đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Báo chí

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu khai mạc Hội nghị

Ở một góc độ khác, Tổng biên tập báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Chính phủ đã thấy những khó khăn của báo in và có biện pháp hỗ trợ như giảm thuế. Tuy nhiên, còn nhiều loại hình báo chí khác cần hỗ trợ này. Thực tế có nghị định, thông tư trái ngược quy định về chi phí hạch toán lương với cơ quan báo chí, gây ra sự khó khăn trong áp dụng với báo chí.

“Cần đánh giá sâu sắc và toàn diện về cơ chế tài chính của cơ quan báo chí. Cần có chương riêng về tài chính của cơ quan báo chí trong luật sửa đổi” ông Tuấn nói.

Các đại biểu cũng nêu ra những bất cập của luật hiện hành và yêu cầu sửa đổi, bổ sung với Luật Báo chí để luật mới nhanh chóng điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, phù hợp với thực tiễn đời sống báo chí trong giai đoạn hiện nay.

Những người làm báo cần đóng góp cho Dự thảo

Tham dự và phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của báo chí trong những năm gần đây. Báo chí đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và các quy định của pháp luật về báo chí. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, báo chí đã làm tốt chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của Nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt vai trò của mình, các phương tiện thông tin báo chí ở nước ta phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội; xây dựng nền đạo đức mới trên nền tảng đạo lý dân tộc…

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông, cần nhận định rõ, bất cập nào do Luật Báo chí và bất cập nào do luật khác, yếu tố khác mang lại, để tiến tới việc sửa đổi hoặc ban hành luật mới. Bởi theo ông: “Trên thế giới có nhiều quốc gia không có Luật Báo chí nhưng việc quản lý vẫn rất nghiêm túc và tuân thủ pháp luật. Điểm gì mạnh trong luật thì chúng ta cần phát huy, phải bình tĩnh trước những bất cập. Không nên vì một số bất cập, tiêu cực mà giật mình rồi đưa ra những quy định bịt hết lại, gây khó khăn cho việc tác nghiệp của báo chí”.

Lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Luật Báo chí đã được sửa đổi hai lần (1989 và 1999), lần này chúng ta cố gắng không có luật khung, luật ống, nhưng cần lưu ý để bộ luật có tuổi thọ dài, đáp ứng được sự thay đổi của công nghệ và của báo chí. Để Luật Báo chí mới phát huy hiệu quả, ngay trong quá trình soạn thảo Dự thảo luật, bản thân những người làm báo cần có những đóng góp, ý kiến cho cơ quan soạn thảo một cách kịp thời và đúng mực.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời tổng kết các vấn đề bất cập; kiến nghị những vấn đề cần sửa đổi của Luật Báo chí hiện hành. Đây là căn cứ quan trọng cho cơ quan soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người làm báo cần đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Báo chí