Nan giải bài toán cung cầu mía đường

congly.com.vn| 13/04/2012 10:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lâu nay, vấn đề nan giải đối với ngành mía đường là việc cân đối cung cầu. Quý II và quý III năm 2011, ước tính gần 150.000 tấn đường đã được xuất qua thị trường Trung Quốc. Mặc dù trong nước xuất khẩu, nhưng đường nhập lậu từ biên giới vẫn tiếp tục gia tăng.

Sản lượng niên vụ 2011 - 2012 ước đạt khoảng 1,4 triệu tấn đường.

Đường nhập lậu không bị đánh thuế nên giá bán thường rẻ hơn, khiến doanh nghiệp sản xuất mía đường và những người nông dân trồng mía lao đao. Cùng với đó là tình trạng đầu cơ tăng giá đường nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cứ vào những tháng cuối năm, lượng đường phục vụ thị trường sẽ trở nên khan hiếm. Do vậy, tình trạng đầu cơ nhằm đẩy giá đường lên cao thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, ít doanh nghiệp nào muốn dự trữ hàng vì đường càng để lâu càng hao, dẫn đến lỗ. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, các nhà máy không dám trữ đường nên đã xảy ra tình trạng nguồn cung trên thị trường lúc thừa, lúc thiếu trầm trọng...


Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200.000 tấn đường trong thời gian 6 tháng, đồng thời cho xuất khẩu 100.000 - 150.000 tấn để tránh tình trạng dư thừa đường trong nước.


Về tổng cầu năm 2012, Bộ NN&PTNT cũng dự kiến sẽ đạt 1.400.000 tấn. Như vậy, cân đối cung cầu là dư khoảng 70.000 tấn đường. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, hàng năm lượng đường nhập lậu rất lớn nên khả năng dư thừa đường năm 2012 sẽ cao hơn nhiều so với con số trên. Vì thế, để giảm áp lực trong khâu lưu thông và tạo điều kiện cho các nhà máy đường thu hồi vốn phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT đã đồng ý với Bộ Công thương việc trước mắt cho xuất khẩu đường với số lượng từ 100.000 - 150.000 tấn. Cùng với đó, để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá đường trong nước, Bộ NN&PTNT cũng nhất trí với kiến nghị của Hiệp hội mía đường Việt Nam, đề nghị Bộ Công thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200.000 tấn đường với thời gian 6 tháng.


Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu mía đường một phần do công tác dự báo còn hạn chế và phải khắc phục. Về lâu dài, phải thực hiện xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguyên liệu để sản xuất. Bên cạnh đó, để ngành mía đường có thể phát triển bền vững, cần có những chính sách, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học, diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía…


Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nan giải bài toán cung cầu mía đường