Lực lượng CAND đóng góp tích cực vào thành công của Kỳ họp Quốc hội

Thanh Liêm - Đăng Trường| 02/06/2015 07:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã nhấn mạnh như vậy.

Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định: “Đây là kỳ họp đề cập nhiều vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó liên quan trực tiếp đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự và hoạt động tư pháp. Các đại biểu Quốc hội trong CAND cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận tại các diễn đàn Quốc hội, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp”.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới còn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội trong nước đứng trước các vận hội và thách thức mới, Kỳ họp thứ 9 có vị trí rất quan trọng để chúng ta đánh giá khách quan, đầy đủ thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác của đất nước, xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.   

Lực lượng CAND đóng góp tích cực vào thành công của Kỳ họp Quốc hội

Bộ trưởng Trần Đại Quang và Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải bên lề Quốc hội sáng 1/6. Ảnh Ngọc Thắng.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong số các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp này, có hai dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và một số dự án luật khác liên quan công tác Công an và công tác của các cơ quan tư pháp. Xin Bộ trưởng cho biết những dự án luật này có ý nghĩa như thế nào trong công tác lập pháp của Quốc hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa? 

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét thông qua 11 dự án luật và các dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 16 dự án luật khác, trong đó có những dự án luật quan trọng, như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; dự án Luật Tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp nhằm tiếp tục đưa Hiến pháp năm 2013 vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Mục tiêu, quan điểm, nội dung sửa đổi các dự án luật này phù hợp với chủ trương hoàn thiện chính sách, pháp luật được nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, các kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013.

PV: Thưa Bộ trưởng, với ý nghĩa quan trọng đó, Bộ Công an đã có định hướng gì để phát huy trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội trong Công an nhân dân tham gia góp ý, xây dựng các dự án luật cũng như tham gia ý kiến tại các diễn đàn trong chương trình Kỳ họp?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Nhằm đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành công của kỳ họp, Bộ Công an có kế hoạch cụ thể để các đại biểu Quốc hội trong Công an nhân dân và đơn vị chức năng của Bộ Công an đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo hoặc phối hợp soạn thảo.

Lực lượng CAND đóng góp tích cực vào thành công của Kỳ họp Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: PV

Trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Bộ Công an đã thông báo tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự; quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đối với các dự án luật cũng như những vấn đề khác có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự nhằm giúp các đại biểu Quốc hội trong Công an nhân dân cập nhật thông tin để tham gia, đóng góp ý kiến. Các đại biểu Quốc hội trong Công an nhân dân cần tăng cường trao đổi thông tin với các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội về tình hình, kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự; những chủ trương, định hướng và cơ sở pháp lý, thực tiễn xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Các đại biểu Quốc hội trong Công an nhân dân cần đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung nghiên cứu, thảo luận, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tại các diễn đàn của Quốc hội, góp phần quan trọng vào thành công của Kỳ họp.

PV: Hai dự án luật được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo là dự án Luật Tạm giữ, tạm giam và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp. Để  bảo đảm tính khoa học và khả thi, Bộ Công an đã chỉ đạo việc soạn thảo, lấy ý kiến xây dựng luật như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII và sự phân công của Chính phủ, Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Tạm giữ, tạm giam và dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Đây là những dự án luật rất quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 và hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Quá trình soạn thảo, Bộ Công an đã quán triệt, thể chế hóa chủ trương, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong hoạt động điều tra, tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra hình sự nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng các dự án luật bảo đảm phù hợp Hiến pháp năm 2013, sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hoạt động điều tra hình sự.

Quá trình xây dựng hai dự án luật được tiến hành chặt chẽ, khoa học dựa trên việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về hoạt động điều tra hình sự, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan hữu quan. Tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại tổ và hội trường để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hai dự án luật, trong đó tập trung vào những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

PV: Thưa Bộ trưởng, được biết trong thời gian qua, Bộ Công an đã có những những chủ trương, giải pháp tích cực nhằm phòng ngừa oan, sai trong hoạt động điều tra hình sự. Trong chương trình kỳ họp, đây cũng là nội dung được Quốc hội thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Bộ trưởng Trần Đại Quang: Đây là vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, nhân dân cả nước rất quan tâm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án hình sự.

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan điều tra Công an các cấp và các cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm với phương châm “không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”. Bộ Công an đã ban hành nhiều chỉ thị về việc tăng cường chấp hành pháp luật, nâng cao hiệu quả trong hoạt động điều tra. Qua đó đã phát hiện, khởi tố điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật các hành vi phạm tội xảy ra; công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước.

Cơ quan điều tra các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ; tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, xử lý tội phạm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm của Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, cá biệt ở nơi này, nơi khác còn xảy ra một vài trường hợp oan, sai,  ảnh hưởng đến quyền công dân, uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với những trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an có hành vi vi phạm trong hoạt động điều tra tội phạm, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan chức năng  xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, trong đó quy định rõ cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, cấp trên phải kiểm tra, hướng dẫn và chịu trách nhiệm về những vi phạm của cấp dưới. Công tác thanh tra, nhất là thanh tra trong công tác khởi tố, bắt, giam, giữ phải được tiến hành thường xuyên, thực chất, chú trọng phát hiện sai phạm từ sớm, tại cơ sở để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, không để sai phạm kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng. Xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nghiêm trọng và kiên quyết điều chuyển khỏi Cơ quan điều tra những cá nhân vi phạm trong công tác điều tra vụ án hình sự; xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng Cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan, sai…

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lực lượng CAND đóng góp tích cực vào thành công của Kỳ họp Quốc hội