Kinh tế Việt Nam năm 2013: Những việc lớn đã làm được

02/01/2014 23:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2013, kinh tế Việt Nam đã làm được hai việc lớn đó là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo an sinh xã hội và bước đầu tiến hành tái cấu trúc lại nền kinh tế.

Nỗ lực của Chính phủ

 

Năm 2013, tuy tình hình có cải thiện hơn, nhưng về cơ bản nền kinh tế đang đối diện với những thách thức ngắn hạn là nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường. Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện. Những nỗ lực để làm “ấm” thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này chưa được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể. Cộng với đó là, trong năm 2013 tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến thất thường, có tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam.  

  

Với tình hình trên, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...”, với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và kiểm soát CPI dưới 8%.

 

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua một “gói giải pháp hỗ trợ thị trường” nhằm giải quyết hàng tồn kho; xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ba vấn đề này có quan hệ nhân quả với nhau, nên không thể giải quyết riêng rẽ. 

 

Kinh tế Việt Nam năm 2013: Những việc lớn đã làm được

Nền kinh tế Việt Nam phải tận dụng cơ hội để đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 7- 8% mỗi năm

 

Khác với gói giải pháp kích cầu thực hiện năm 2009, gói giải pháp hỗ trợ thị trường lần này tập trung vào khâu xử lý “điểm nghẽn” của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, trong đó quan tâm đặc biệt đến tồn kho sản phẩm bất động sản. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp hoãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế... Tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-6/2013), Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng nhằm miễn giảm thuế cho một số đối tượng để kích thích thị trường và giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 22% từ tháng 1/2014 và 20% từ tháng 01/2016 để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho nhà giá thấp….

 

Một trong những kết quả cụ thể đó là, năm 2013, một năm có thể coi là thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến giữa tháng 12/2013, đã có 21,6 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI vào Việt Nam hồi phục sau mấy năm suy giảm. Nếu đó là một điểm sáng của bức tranh kinh tế 2013, thì một điểm sáng khác - cũng được mang lại từ khu vực FDI - đó là xuất khẩu đạt kết quả cao, lên tới 132,2 tỷ USD. Với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD, năm nay là năm thứ hai liên tiếp, Việt Nam có xuất siêu - với gần 900 triệu USD.

 

Những cải cách tích cực

 

Theo các chuyên gia, năm 2013, kinh tế Việt Nam đã làm được hai việc lớn đó là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo bảo an sinh xã hội và bước đầu tiến hành tái cấu trúc lại nền kinh tế. Tuy nhiên, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam. Báo cáo nhận định, nền kinh tế đang dần đi vào ổn định, song nếu không có những tiến bộ đáng kể để giải quyết những vướng mắc đối với cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có nhiều nguy cơ chỉ có thể dịch chuyển ngang trong nhiều năm.

 

Kinh tế Việt Nam năm 2013: Những việc lớn đã làm được

 

Cụ thể, với đa số lực lượng lao động chỉ có thu nhập dưới 100 USD/tháng, các nhà làm chính sách cần khẩn trương thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá. Hiện tại, 70% lực lượng lao động Việt Nam đang sống ở khu vực nông thôn với mức thu nhập 60 USD chỉ hơn một nửa so với các lao động thành thị. Khu vực Đông Nam Bộ có thu nhập cao nhất ở Việt Nam nhưng cũng chỉ ở mức 120USD/tháng. Mặc dù lĩnh vực Nhà nước chiếm 1/3 nền kinh tế nhưng các DN tư nhân trong nước lại sử dụng 86% lực lượng lao động.

 

“Nhà nước đã thực hiện một số cải cách tích cực tuy nhiên vẫn còn rất cần những cải tiến về chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống năng lượng và giao thông vận tải, chuỗi cung ứng để tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, chất lượng sản xuất nông nghiệp và thị trường tài chính. Những kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy không sớm thì muộn những vướng mắc của nền kinh tế phải được giải quyết rõ ràng”, báo cáo nhận định.

 

Báo cáo dự đoán: “Kỳ vọng năm 2013 sẽ khép lại với mức thặng dư thương mại nhỏ. Với dòng tiền được chuyển từ nước ngoài vào đang tăng, tài khoản vãng lai cũng sẽ trong tình trạng thặng dư hỗ trợ cho sự ổn định của tiền đồng”.

 

Phải đạt tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm

 

Những dấu hiệu bất ổn vĩ mô được cải thiện so với các năm trước, nguy cơ lạm phát cao đã được ngăn chặn. Nếu xét trên mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô” thì kết quả của năm 2013 là tích cực. Nhưng vẫn cần những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ.

 

Từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013, có thể nhận định, hiện nay là thời điểm thích hợp, là thời cơ để đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo bước ngoặt làm thay đổi tình hình, nếu chậm trễ thì cơ hội sẽ mất.

 

Về ngắn hạn, nhiệm vụ tập trung vẫn là giải quyết nợ xấu của ngân hàng thương mại để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn; trong đó phải xử lý một phần nợ xây dựng cơ bản, mà ngân sách đang nợ doanh nghiệp. Vấn đề đang đặt ra là phải làm thế nào để vực dậy nền kinh tế, để tạo cơ sở cho việc xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo hướng tích cực, trong đó thực hiện mục tiêu tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

 

Theo các chuyên gia, mục tiêu lớn nhất của chúng ta là, nền kinh tế Việt Nam phải tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập để từ giai đoạn 2016-2020 có thể đạt được tốc độ tăng trưởng, như đã từng đạt được trong giai đoạn 1991-1996 và giai đoạn 2001-2007. Nếu nền kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, tức là khoảng 7-8% mỗi năm, trong vòng vài thập niên, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng đến sự thành công trong sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước và có tiền đề vật chất để nâng cao phúc lợi xã hội.

 

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):

Kinh tế Việt Nam năm 2013: Những việc lớn đã làm được

 

“Sức hấp dẫn của điểm đến đầu tư Việt Nam vẫn tiếp tục được khẳng định. Năm qua, Việt Nam cũng đã rất nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”.

 

Trung Nguyễn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam năm 2013: Những việc lớn đã làm được