Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình”: Thay đổi đột phá về thể chế

Đỗ Huyền – Huy Thắng| 22/04/2014 21:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình” do Ban Kinh tế TW phối hợp với Ban Tuyên giáo TW tổ chức mới đây đã thu hút nhiều sự quan tâm và ý kiến thảo luận của các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế trong thời gian qua.

Chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình

Tại hội thảo, theo VGP New, GS Kenichi Ohno (Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản) chỉ ra nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo ông Kenichi, Việt Nam tăng trưởng ngày càng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn mang nhiều tính hình thức, các chỉ số xếp hạng toàn cầu vẫn trì trệ. Hơn nữa, các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng gây ra đều đã hiện hữu ở Việt Nam như lạm phát, bong bóng bất động sản, tắc nghẽn giao thông, môi trường…

Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng: Tốc độ tăng trưởng chững lại cho thấy Việt Nam đang trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế chậm so với trước đây chứ chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới  (WB) và Viện Levy Economics Institute, Việt Nam nằm trong số 8 nước thu nhập trung bình thấp và chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Để có thể tránh bẫy, thời gian tới 8 nước này cần duy trì tốc độ tăng trưởng tối thiểu như giai đoạn 2000-2010. Cụ thể, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6,1% thì các nước này có thể đạt mức thu nhập trung bình cao, với Việt Nam là vào năm 2024, Myanmar vào năm 2020, Ấn Độ năm 2023, Campuchia, Mozambique năm 2030…

Có cùng đánh giá với đại diện WB, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, nhận định: Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình, nhưng nguy cơ này có thể xảy ra nếu Việt Nam thất bại trong việc tái cơ cấu kinh tế.

Có đủ cơ sở để phát triển nhanh và bền vững

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn thuận lợi để các nước, trong đó có Việt Nam, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, đang có xu hướng tự do hóa di chuyển các nguồn lực sang khu vực phát triển năng động như Châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, Việt Nam có cơ hội tận dụng một khối lượng lớn các nguồn lực chất lượng cao của thế giới để cất cánh và phát triển, thực hiện tiến nhanh, nhảy vọt, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp thế giới.

Dưới góc độ các yếu tố nội tại, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam có đủ cơ sở cần thiết để phát triển nhanh và bền vững trong những năm sắp tới. Là nền kinh tế có tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng do hiệu suất đầu tư thấp, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy cao hơn nữa tốc độ tăng trưởng gắn với nâng cao hiệu suất đầu tư thay vì bơm thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế.

Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình”: Thay đổi đột phá về thể chế

Cần tận dụng tối đa các nguồn lực để thực hiện công nghiệp hóa

Một trong những lợi thế là Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng. Nghĩa là tổng tỷ suất người phụ thuộc (người ngoài độ tuổi 15-64) thấp dưới 1/2 so với số người trong độ tuổi 15-64 (lực lượng có khả năng lao động chính).

Ngoài ra, điều kiện chính trị ổn định cũng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển. Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một cơ hội rất lớn nữa cho Việt Nam là Hiến pháp đã sửa đổi và nhiều Luật rất quan trọng, như Luật Ngân sách sửa đổi, Luật Đầu tư công, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương... sẽ tạo khung pháp lý căn bản để tiếp tục hình thành và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Hình thành nền kinh tế thực sự mang tính thị trường

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nền kinh tế của Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề khó khăn đã được nhiều chuyên gia đề cập như trình độ sản xuất, năng suất lao động kém, tăng trưởng vẫn theo chiều rộng, thiếu chiều sâu, phân bổ nguồn lực chưa hợp lý… Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần có sự thay đổi đột phá về thể chế, để hình thành nền kinh tế thực sự mang tính thị trường.

Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: Hiện nay, lao động chảy vào lĩnh vực năng suất thấp như khu vực lao động phi chính thức và kinh tế tư nhân, còn vốn thì chảy vào khu vực hiệu quả thấp. Do đó, cần cải tiến thể chế phân bổ nguồn lực, tránh tình trạng “nói thị trường mà không phải thị trường”.

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng là quy hoạch vẫn còn chồng chéo, trùng lắp, hạn chế hiệu quả phát triển, các địa phương vẫn còn mang nặng bệnh thành tích và tư duy nhiệm kỳ. Do đó, các quy hoạch cần phải thống nhất với chiến lược phát triển chung, tạo không gian rộng lớn để phân bổ nguồn lực thị trường. Ngoài ra cũng cần khẩn trương cải thiện hệ thống thống kê, phân tích thông tin kinh tế theo hướng hiện đại, độc lập xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở, phục vụ cho điều hành kinh tế vĩ mô một cách chuẩn xác, kịp thời hơn.

Về vấn đề nguồn nhân lực, nhấn mạnh việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS Bùi Tất Thắng cho rằng: Cần tích cực triển khai các chính sách kinh tế, thí điểm xây dựng các “yếu tố” kinh tế mới như mô hình Khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế). Thế giới đã có các ví dụ thành công thực tế có giá trị tham khảo rất trực tiếp như: Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất), Incheon và Jeju (Hàn Quốc)… Đặc điểm chung của những khu kinh tế này là thể chế quản lý hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng, mức độ tập trung cao, là nơi hội tụ các công ty hàng đầu thế giới.

Còn PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh cần tận dụng tối đa các nguồn lực vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để nhanh chóng thực hiện công nghiệp hóa mới có thể khai thác được thị trường toàn cầu, duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và có chất lượng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Tránh bẫy thu nhập trung bình”: Thay đổi đột phá về thể chế