Đoàn ĐBQH tỉnh Long An giám sát công tác giảm nghèo: Giảm người nghèo, thoát nghèo bền vững

11/01/2014 14:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 10/1, tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có buổi làm việc về việc thực hiện giám sát công tác giảm nghèo của tỉnh. Đến dự buổi làm việc có ĐBQH Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC.

Các ông Nguyễn Minh Lâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An; ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các ĐBQH tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành có liên quan cùng tham dự buổi làm việc.

Thực hiện Nghị quyết số 661/NQ-UBTVQH13 ngày 4/9/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 và Chương trình hành động của Đoàn ĐBQH tỉnh Long An”. Mục đích của đợt giám sát này là đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật về giảm nghèo từ năm 2005-2012; Nghị quyết số 80/CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011-2020 và tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Đoàn ĐBQH tỉnh Long An giám sát công tác giảm nghèo: Giảm người nghèo, thoát nghèo bền vững

Toàn cảnh buổi làm việc

Trong 8 năm thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, tỉnh Long An luôn coi công tác này là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn. Tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc Chương trình giải quyết việc làm - giảm nghèo (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đảng bộ lần thứ VII và VIII), Chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IX). Với nỗ lực phấn đấu và nhận thức đầy trách nhiệm của hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, Chương trình đã đạt một số kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Hệ thống kết cấu, nhất là hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của nhân dân, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Các loại hình kinh tế được củng cố, phát triển, tạo ra nhiều việc làm mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là người nghèo, hộ nghèo được cải thiện; người nghèo, hộ nghèo có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, khơi dậy được tình làng nghĩa xóm, tạo lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Với những nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả tốt. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,44% (năm 2005) xuống còn 1,87% (năm 2010) vượt chỉ tiêu đề ra, không còn hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo. Năm 2009, tỉnh điều chỉnh chuẩn nghèo (thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn từ 400.000 đồng/tháng trở xuống), ở thành thị từ 540.000 đồng/tháng trở xuống thuộc hộ nghèo). Theo chuẩn mới này, toàn tỉnh có 36.327 hộ, chiếm 10,5%. Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2010 theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ thì toàn tỉnh có 26.720 hộ (khu vực thành thị: 3.962 hộ; khu vực nông thôn 22.758 hộ), tỷ lệ 7,37%; hộ cận nghèo là 20.409 hộ. Tuy nhiên, đến cuối năm 2012 chỉ còn 17.694 hộ nghèo, tỷ lệ 4,73%. Giảm xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 15% từ 77 xã (chiếm 40,9%) năm 2005 xuống còn 12 xã (6,31%) năm 2010; đến cuối năm 2012 chỉ còn 9 xã (chiếm 4,74%).

Mặc dù kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn những tồn tại hạn chế, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững; số hộ cận nghèo có nguy cơ tái nghèo. Vì vậy, tỉnh kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp để công tác giảm nghèo đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới. Cụ thể, Trung ương có cơ chế cho tỉnh thành lập Văn phòng giảm nghèo, văn phòng này sẽ trực tiếp kiểm tra và thực hiện công tác giảm nghèo sâu sát và chuyên nghiệp hơn; tách riêng đối tượng thuộc diện được bảo trợ xã hội khỏi diện hộ nghèo; chính sách ưu đãi cho người nghèo nhiều nhưng khi thoát nghèo thì không được hỗ trợ nên không khuyến khích người dân phấn đấu thoát nghèo, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn cho người vừa thoát nghèo để họ có điều kiện thoát nghèo bền vững; gia hạn, khoanh nợ đối với những sinh viên nghèo vay vốn ra trường chưa có việc làm, vì hiện nay khoản vay này là quá hạn; ….

Ông Trần Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay chuẩn nghèo của tỉnh còn thấp so với các tỉnh lân cận, đề xuất Trung ương nghiên cứu nâng chuẩn nghèo, đồng thời điều chỉnh khoảng cách thu nhập hợp lý giữa chuẩn nghèo và cận nghèo. Hộ nghèo phải được chia ra nhiều nhóm đối tượng, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo, từ đó mỗi nhóm đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ thoát nghèo hợp lý. Mặc khác, ngân hàng phải linh hoạt điều chỉnh thời hạn trả nợ của hộ nghèo cho phù hợp với chu kỳ thu hoạch sản phẩm của người vay.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đánh gia cao những kết quả thực hiện công tác giảm nghèo của tỉnh Long An đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời tiếp thu những ý kiến đề xuất của tỉnh, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan điều chỉnh cho phù hợp. ĐBQH Trương Hòa Bình cho rằng tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo của tỉnh giảm nhiều do chúng ta có chính sách đối với người nghèo được thực hiện tốt. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, đối với hộ nghèo cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để họ thoát nghèo, còn đối tượng bảo trợ xã hội thì Nhà nước phải lo cho họ. Thực tế, các mô hình HTX, trang trại của tỉnh chưa phát triển đúng với tiềm năng, cần phải nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình doanh nghiệp, dịch vụ khác nhau để đáp ứng yêu cầu thực tế của từng nơi. Mặt khác, việc nhận thức về xóa đói, giảm nghèo để vươn lên làm giàu của một số ít người dân chưa tốt, chưa có quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

ĐBQH Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt trong toàn Đảng, toàn dân nhận thức đầy đủ chính sách cao cả của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo. Đây là chính sách lớn của Đảng giúp dân nghèo thoát nghèo và làm giàu. Mục đích là đất nước ta không còn người nghèo, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mọi người có nhận thức chung là chúng ta phải làm giàu cho bản thân và cho xã hội. Long An là địa phương giàu truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học, cần cù lao động, vì vậy phải khơi gợi tinh thần chung tay, chung sức, chung lòng phấn đấu giảm nghèo bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình thực hiện nông thôn mới, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách an sinh xã hội, khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư. Nghiên cứu, học tập cách mô hình, cách làm mới có hàm lượng chất xám cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra nhiều việc làm. Đồng thời, lựa những mô hình, cách làm hay, phù hợp để nhân rộng, xã hội hóa. Quyết tâm nâng cao tỷ lệ người được đào tạo nghề tại địa phương, tỉnh nghiên cứu tháo gỡ người bất cập đề đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đã đào tạo nhưng không có việc làm sẽ gây lãng phí lớn cho người dân và xã hội. Chính sách của Nhà nước ta  là hỗ trợ người nghèo vượt khó thông qua chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật, gắn với từng chương trình cụ thể với cơ chế hỗ trợ thiết thực. Hạn chế hỗ trợ tiền trực tiếp, chúng ta đưa cần câu, không đưa con cá. Có như vậy, thì người nghèo sẽ phấn đấu thoát nghèo bền vững. ĐBQH Trương Hòa Bình nhắc nhỡ cán bộ làm công tác hỗ trợ người nghèo phải thật sự năng động, có tinh thần trách nhiệm đối với người nghèo.

Đắc Minh - Quang Trung
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn ĐBQH tỉnh Long An giám sát công tác giảm nghèo: Giảm người nghèo, thoát nghèo bền vững