Đại biểu Quốc hội Trương Thái Hiền: Thẩm phán đòi hỏi phải có chuyên môn cao

Tống Toàn (ghi)| 13/08/2014 11:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị và Hiến pháp năm 2013 nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND là thiết thực, chín muồi.

Về cơ bản, ông Trương Thái Hiền, Đại biểu Quốc hội, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang nhất trí với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này. Bên cạnh đó, ông tham gia ý kiến một số vấn đề cụ thể khác...

Về tổ chức TAND cấp sơ thẩm, quy định tại khoản 4 Điều 3; ông Hiền cho rằng, thời gian qua Đảng, Nhà nước đã bỏ ra nhiều công sức, thời gian để nghiên cứu, khảo sát về mô hình TAND  sơ thẩm khu vực. Có thể nói, đây là mô hình mới ở nước ta, mang tính mới lạ, đột phá mà chưa có tiền lệ trải nghiệm. Hơn nữa, nước ta có vị trí địa lý không đồng đều, dân cư thưa thớt, địa hình đồi núi phức tạp, đi lại khó khăn. Do đó, việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực nhận được nhiều ý kiến đắn đo, cân nhắc thận trọng là điều tất yếu khách quan.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng, nhất là các tỉnh phía Nam; các tỉnh có khu công nghiệp, các dự án đầu tư thì các tranh chấp về đất đai, bồi hoàn giải tỏa, khiếu kiện hành chính thời gian qua cũng cực kỳ gay gắt và phức tạp. Trong khi đó, đội ngũ Thẩm phán của chúng ta chưa được bổ sung kịp thời, số Thẩm phán công tác lâu năm có kinh nghiệm phần nhiều đã đến tuổi nghỉ hưu.

Đại biểu Quốc hội Trương Thái Hiền: Thẩm phán đòi hỏi phải có chuyên môn cao

Ông Trương Thái Hiền phát biểu tại một buổi hội thảo

Do vậy, áp lực công việc luôn đè nặng lên vai cán bộ, công chức hệ thống Tòa án, nếu tình trạng này không được cải cách, sắp xếp lại chắc chắn sẽ dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, bất hợp lý; nơi yếu, nơi mạnh tạo ra sự bất bình đẳng, sức ì trong nội bộ hệ thống. Bên cạnh đó, hiện nay, Đảng ta đang ra sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng giao thông nông thôn liên ấp, liên xã, mạng lưới điện quốc gia, thông tin phủ đầy đến tận vùng sâu, vùng xa, biển đảo… Từ đó, việc đi lại của bà con nhân dân được thuận lợi, dễ dàng hơn. Mặt khác, hệ thống trụ sở Tòa án cấp huyện thời gian qua được nâng cấp, đầu tư vẫn còn sử dụng được sẽ làm nơi tiếp nhận, thụ lý đơn mà người dân không phải đi xa, ông Hiền chia sẻ.

Cũng theo ông Hiền, để Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này có được tuổi thọ cao, đề nghị Quốc hội đưa mô hình TAND sơ thẩm khu vực vào luật, một văn bản pháp quy làm cơ sở cho quá trình vận hành, nếu nơi nào có điều kiện sẽ có lộ trình thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực thích hợp với từng vùng, từng miền.

Góp ý về nhiệm kỳ của Thẩm phán, ông Hiền cho rằng, Luật Tổ chức TAND  năm 2002, nhiệm kỳ Thẩm phán là 5 năm và do Chánh án TANDTC quyết định bổ nhiệm, nhiệm kỳ đó quá ngắn. Trong khi đó, thủ tục, quy trình rất nhiêu khê, quá nhiều vòng hiệp y xem xét chu đáo của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Điều đó dẫn đến, có đôi lúc, hàng chục Thẩm phán ngồi không, ngồi chờ quyết định bổ nhiệm lại. Đây là một thực tế khách quan còn vướng mắc, ách tắc trong cải cách tư pháp cần được khắc phục, điều chỉnh và đưa vào Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Theo ông Hiền, Thẩm phán là một nghề khoa học xã hội, đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm trong công tác xét xử. Ngoài phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị thì Thẩm phán còn đòi hỏi phải có diện mạo và năng khiếu nghề nghiệp, nắm vững pháp luật nhân dân. Do vậy, dù ở huyện hay ở tỉnh, ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm đều phải đảm bảo công tác xét xử theo đúng luật định. Đồng thời, còn tạo thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác quy hoạch luân chuyển, điều động, biệt phái, đáp ứng yêu cầu công tác xét xử và phòng, chống tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ hoặc nhằm xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch, vững mạnh theo tinh thần cải cách tư pháp.

Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bất cập dẫn đến bất bình đẳng trong công tác tư tưởng và tổ chức cán bộ, nếu đồng chí nào bố trí ở cấp sơ thẩm, mặc dù năng lực, học vị thâm niên như nhau nhưng chế độ chính sách, lương bổng so với đồng chí được bổ nhiệm ở cấp tỉnh làm Thẩm phán trung cấp thì Thẩm phán ở cấp sơ thẩm rất thiệt thòi, không kích thích người lao động. Do đó, đề nghị chọn phương án 1, có hai ngạch Thẩm phán là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Nhưng, để chế định này không bị vướng trong hoạt động xét xử, đề nghị Ban soạn thảo không quy định Thẩm phán ở huyện hay Thẩm phán cấp tỉnh. Thời gian qua, việc bố trí cán bộ, điều động luân chuyển gặp nhiều khó khăn, nhất là Thẩm phán có chức danh quản lý như Chánh án, Phó Chánh án cấp huyện. Nhưng, thẩm quyền điều động, luân chuyển, biệt phái trong Dự thảo luật chưa quy định. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể và đưa vào Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) lần này.

Về vấn đề quản lý TAND (Điều 8), ông Hiền cho rằng, từ khi Luật Tổ chức TAND năm 2002 có hiệu lực đến nay, việc quản lý Tòa án địa phương của TANDTC đã ổn định và đi vào hoạt động tích cực, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương VII. Ngoài ra, đề nghị nên đưa chế định án lệ và Tòa giản lược vào cơ cấu, tổ chức Tòa án để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Tòa án sau này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội Trương Thái Hiền: Thẩm phán đòi hỏi phải có chuyên môn cao